Tuyển sinh bằng nhiều phương thức
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết ĐHQG TP HCM tổ chức kỳ kiểm tra năng lực không có nghĩa là những thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên đều phải tham gia kỳ kiểm tra năng lực này mà các em vẫn có thể xét tuyển theo nhiều phương thức khác nhau.
Cụ thể, năm 2017, các trường thành viên của ĐHQG TP HCM vẫn thực hiện tuyển thẳng học sinh giỏi ở các trường chuyên, năng khiếu. “Năm 2016, ĐHQG TP HCM thí điểm tuyển thẳng đối tượng trên và thấy rất ổn” - TS Chính nói đồng thời cho biết năm 2017 sẽ nâng tỉ lệ xét tuyển từ 10% của năm 2016 lên 20%, thậm chí 30%. Bên cạnh đó, các trường chỉ cần dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, một số ngành sẽ dùng đến kết quả kỳ kiểm tra năng lực, kể cả các trường có thể xét kết hợp kết quả học bạ, kỳ thi THPT quốc gia với kết quả kiểm tra năng lực như của Trường ĐH Luật TP HCM.
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều
TS Lê Chí Thông, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, cho biết ĐHQG TP HCM tổ chức kỳ kiểm tra năng lực sẽ làm tăng cơ hội cho thí sinh khi các em muốn đăng ký vào trường. Có thể trong cùng một ngành, thí sinh có thể có 2 hồ sơ xét tuyển khi vừa dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa dùng thêm kết quả kỳ kiểm tra năng lực.
Tại Trường ĐH Luật TP HCM, năm 2017, trường vẫn tổ chức kỳ kiểm tra năng lực để xét tuyển. Ông Lê Văn Hiển, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP HCM, cho biết điểm xét tuyển năm 2017 vào trường vẫn là tổng điểm học bạ, điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm kỳ kiểm tra năng lực do trường tổ chức. Tuy nhiên, tỉ trọng điểm từng thành phần sẽ thay đổi. Nếu như năm 2016, tỉ trọng điểm học bạ chiếm 20%, điểm kỳ thi THPT quốc gia 60%, kiểm tra năng lực 20% thì năm 2017 sẽ tăng tỉ trọng điểm kỳ kiểm tra năng lực bởi kỳ thi THPT quốc gia 2017 do sở giáo dục và đào tạo địa phương tổ chức nên mức độ tin cậy giảm hơn so với khi còn do các trường ĐH chủ trì.
ThS Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết năm 2017, trường sẽ phối hợp cùng ĐHQG Hà Nội và có thể thêm với ĐHQG TP HCM tổ chức kỳ kiểm tra năng lực. Theo dự thảo, trường sẽ dành 50% chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, 50% còn lại cho các phương thức xét tuyển khác nhau.
Phức tạp xét tuyển theo môn
Trong khi đó, nhiều trường ĐH vẫn chỉ dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết năm 2017, trường vẫn xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Điểm xét tuyển sẽ là tổng điểm của 3 bài thi. Những ngành lâu nay xét tuyển khối A thì trường sẽ dùng kết quả 3 bài thi môn toán, văn và bài thi khoa học tự nhiên. Theo ông Minh, nếu bóc tách điểm của môn thành phần trong bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội kết hợp với bài thi các môn riêng biệt sẽ rất phức tạp trong khi dùng kết quả cả bài thi (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội) sẽ thuận lợi hơn.
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết năm 2017, trường dự kiến vẫn dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Đồng thời, trường cũng đang tính đến khả năng tổ chức trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp để đánh giá mức độ phù hợp năng lực nghề nghiệp của thí sinh. Theo dự thảo, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM vẫn xét tuyển theo tổ hợp môn và sẽ bóc tách điểm của môn thi thành phần trong bài thi khoa học tự nhiên để xét theo khối thi. Tuy nhiên, việc xác định điểm vẫn còn bỏ ngỏ vì chưa biết thang điểm bài thi khoa học tự nhiên là 30 hay 10 điểm như bài thi 3 môn độc lập toán, văn, ngoại ngữ.
Chờ quy chế Trong khi đó, nhiều trường ĐH cho biết chưa lên phương án tuyển sinh 2017 bởi phải chờ quy chế xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết trường chưa lên phương án xét tuyển 2017 bởi lúc này chưa biết hướng của bộ như thế nào. |
Tác giả bài viết: Huy Lân
Nguồn tin: