Qua những trận đấu vòng loại U16 Việt Nam năm nay, thì đã cho thấy một tín hiệu rất đáng mừng. Các cầu thủ trẻ của chúng ta sau giải năm ngoái đã có sự trưởng thành rất lớn, đặc biệt là trong tổ chức chiến thuật. Năm ngoái chúng ta đứng thứ 4, có nhiều sai số. Nhưng năm nay chúng ta rút ra nhiều kinh nghiệm, điều chỉnh, tìm thêm người và nghiên cứu xây dựng lối chơi phù hợp. Tất cả chúng ta đều thấy U16 Việt Nam đã chơi rất ấn tượng tại vòng bảng giải U16 Đông Nam Á vừa qua.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn
VFF đặt mục tiêu cụ thể như thế nào với U16 Việt Nam tại giải lần này?
Đội tuyển U16 Việt Nam trước khi lên đường tham dự giải, VFF đã đặt mục tiêu cho các em là phải thi đấu tự tin, không đặt nặng thành tích, tập trung từng trận một. Chúng tôi đã nói vui rằng các đội anh lớn vừa thắng đối thủ Syria có thể hình cao to thì chẳng có lý do gì U16 Việt Nam lại sợ Australia. Chúng ta đã gặp đối thủ này 3 lần rồi và lần này thì các em đã rất tự tin, làm được những điều rất đáng mừng.
Theo ông, đây có phải là lứa tài năng giống như U19 Việt Nam?
Các cầu thủ đã thể hiện lối chơi rất phù hợp với tố chất cũng như tư duy. Nếu nhìn các em thi đấu ở vòng bảng thì chúng ta cũng thấy U16 Việt Nam thi đấu nhuần nhuyễn rồi. Tất nhiên, bóng đá trẻ có thể chưa có sự ổn định, nhưng chúng ta luôn phải có sự nhìn nhận, động viên, làm công tác tâm lý thật tốt.
Kế hoạch đầu tư cho lứa U16 này sẽ như thế nào, thưa ông?
Đây là lứa theo đánh giá của chúng tôi là rất quan trọng. Năm 2021 chúng ta đăng cai SEA Games tại Việt Nam nên ngay từ bây giờ VFF có hướng đầu tư cho các em.
Liên đoàn quyết tâm tìm các nguồn để làm sao các em có nhiều giải đấu cọ xát. Mà không chỉ U16, U19, mà các đội tuyển trẻ khác cũng được đầu tư, đặc biệt là tập trung vào những chuyến tập huấn nước ngoài.
Hiện nay U16 Việt Nam có nhiều lời mời đá giao hữu. Sau khi kết thúc giải vô địch U16 Đông Nam Á các em sẽ về tham dự VCK U17 quốc gia, sau đó sẽ lại được tập huấn ngay. VFF tính toán sẽ mời chuyên gia thể lực người Đức hỗ trợ cho U19 và U16. Đó là những thứ chúng ta cần đầu tư hơn nữa để các cầu thủ trẻ tiến bộ.
Năm 2000 lứa U16 Việt Nam của những Văn Quyến, Minh Đức, Như Thuật… đã tạo nên cơ địa chấn tại vòng chung kết U16 châu Á, với trận thắng U16 Trung Quốc. Ông so sánh thế nào về đội U16 khi đó và hiện tại?
Thực ra mỗi lứa có một đặc thù khác nhau. Năm nay lực lượng U16 Việt Nam có sự đồng đều. Các cầu thủ được thi đấu từ vòng loại năm ngoái. Đó là một thuận lợi. Một điều mừng là các cầu thủ đến từ nhiều CLB như Viettel, HN T&T, HAGL, B.Bình Dương…
Theo tôi đánh giá các CLB trong nước đang làm tốt công tác đào tạo trẻ, nhiều địa phương đang liên kết với các đội bóng nổi tiếng nước ngoài. Tất nhiên, để bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá trẻ nói riêng phát triển chúng ta cũng cần có thêm thời gian.
Có một thực tế là bóng đá trẻ Việt Nam có xuất phát điểm rất tốt, nhưng khi lớn lên lại đi chậm, thậm chí lụi tàn cho với các đội bóng trong khu vực. Ông có thể lý giải vì sao?
Tôi cũng rất trăn trở về điều này. Tôi nghĩ rằng nguyên nhân lớn nhất vẫn là chúng ta thiếu những giải đấu, trận đấu cọ xát cho các em trưởng thành. Đây là vấn đề liên quan đến kinh phí. VFF đang làm hết khả năng để tạo điều kiện cho các đội tuyển trẻ tham dự nhiều sân chơi.
Giải trẻ quan trọng nhất là các cầu thủ thể hiện hết khả năng. Các cầu thủ cần phải có sự tự tin, đá với “Tây” không việc gì phải sợ. Các cầu thủ trẻ phải học dần, tích lũy dần qua nhiều giải đấu. Giải nào cũng giành chiến thắng thì không thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Xin cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Song Ngư (thực hiện)