Uẩn khúc vụ “tai nạn chồng tai nạn” ở Ninh Bình: Nhiều nội dung cần làm rõ

Admin
Quá trình thu thập tài liệu, PV Báo Giao thông đã nhận thấy nhiều điểm bất thường. Luật sư cũng cho rằng, có rất nhiều nội dung cần được làm rõ.

 Vị trí xảy ra tai nạn cuối con dốc, tại nút giao QL1A

Đưa phương tiện đi cân: Chủ xe không hay, KSV không biết

Báo Giao thông số ra ngày 7/4 đăng bài “Uẩn khúc vụ “tai nạn chồng tai nạn” ở Ninh Bình”, phản ánh việc từ người có liên quan đến vụ tai nạn gây chết người trước đó, anh Nguyễn Văn Liên (SN 1983, trú tại thôn La Khê, xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) bỗng trở thành nạn nhân và tử vong trong vụ TNGT tự gây sau đó 2 ngày. Gia đình nạn nhân nghi ngờ hậu quả vụ tai nạn có lỗi tắc trách của cơ quan công an.

Liên quan đến vụ TNGT xảy ra trong quá trình Công an TP Tam Điệp (Ninh Bình) yêu cầu lái xe đưa xe đi cân tải trọng làm lái xe tử vong và 1 chiến sỹ công an bị thương, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết: Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải mang theo các loại giấy tờ sau: Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe (GPLX) đối với người điều khiển xe cơ giới, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

“Ở vụ việc này, người lái xe hiện đã chết rồi nên phải làm rất thận trọng. Cần phải xem xét kỹ tại thời điểm công an giao phương tiện cho tài xế điều khiển thì có cầm GPLX của người đó theo hay không? Có quyết định cho phép lái xe sử dụng tạm GPLX để đưa đi cân hay không? Còn về nguyên tắc đã được Luật Giao thông đường bộ quy định, khi điều khiển phương tiện phải có GPLX”, bà Hiền khẳng định.

Ông Lê Trọng Thành, Giám đốc Sở GTVT Ninh Bình cũng khẳng định: Theo luật, nếu người điều khiển phương tiện vi phạm lỗi mà bị cơ quan chức năng giữ GPLX thì sẽ không được quyền điều khiển phương tiện nữa.

Đối với trường hợp tài xế Liên thì cần phải xem quy định của ngành Công an, vì có thể trong quá trình điều tra, họ có quyền trưng cầu lái xe dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Ông Thiên, chủ xe BKS 18C-037.48 cho biết, quá trình đưa phương tiện đi cân, đi khám nghiệm, ông không được thông báo, không có kiểm sát viên giám sát, ông chỉ nghe anh Liên nói và biết thông tin bên Công an điện mời 2h chiều 20/3 sang làm việc.

Ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Tam Điệp cho hay: “Ngày 20/3 là ngày nghỉ, không có kiểm sát viên tham gia việc đưa xe đi cân. Ngày 18/3, sau khi nhận được tin báo xảy ra vụ TNGT giữa ô tô chở xi măng BKS 18C-073.48 với xe mô tô BKS 35B2-396.57 làm 1 người tử vong, kiểm sát viên của Viện đã có mặt tại hiện trường để kiểm sát việc khám nghiệm dấu vết tại hiện trường.

Sau đó, các phương tiện được cẩu kéo về bãi tạm giữ, chưa khám nghiệm phương tiện. Theo quy định, việc khám nghiệm phương tiện phải do cơ quan điều tra trưng cầu thì lúc đó chúng tôi mới cử kiểm sát viên được phân công tham gia kiểm sát quá trình khám nghiệm phương tiện”, ông Cường nói.

Tạm giữ hay tước GPLX?

Trước những thông tin dư luận cho rằng có nhiều uẩn khúc trong “vụ tai nạn chồng tai nạn” này, luật sư Nguyễn Anh Đức, Công ty Luật Năm Châu thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa cho biết, đối với nội dung vụ việc mà báo chí phản ánh, để kết luận, đánh giá đúng, sai thì phải làm rõ một số điểm.

Cụ thể, đối với người điều khiển phương tiện, cần làm rõ tài xế Nguyễn Văn Liên chỉ bị tạm giữ hay bị tước GPLX. Nếu bị tạm giữ, thì tài xế vẫn có thể điều khiển xe (chỉ cần trình biên bản vi phạm).

Nếu bị tước, thì căn cứ Điều 25 Luật Xử phạt vi phạm hành chính quy định: “Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.

Cũng cần làm rõ về tình trạng xe sau khi xảy ra TNGT có đủ điều kiện an toàn để hoạt động, tham gia giao thông hay không.

Cần làm rõ về việc có khả năng xe tải chở quá tải trọng cho phép, không đủ điều kiện tham gia giao thông nhưng cán bộ điều tra, giải quyết TNGT không yêu cầu các đơn vị có chức năng cứu hộ bố trí phương tiện cẩu, kéo chuyên dụng đưa xe đi cân tải trọng mà yêu cầu tài xế vừa gây tai nạn lái xe?

Để làm rõ một số vấn đề trong vụ việc này, ngày 5/4, PV Báo Giao thông đến Công an tỉnh Ninh Bình đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía cơ quan Công an tỉnh Ninh Bình.

Hồi 18h27 ngày 18/3/2021, tại Km 283+400 QL1A (phường Nam Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình) xảy ra vụ TNGT giữa ô tô chở xi măng BKS 18C- l073.48 do anh Nguyễn Văn Liên điều khiển với xe máy BKS 35B2-396.57 do chị Hồ Thị Huyền (SN 1986, trú phường Nam Sơn, TP Tam Điệp) đi phía trước cùng chiều.

Hậu quả, chị Huyền bị thương, sau đó tử vong. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an TP Tam Điệp đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và tạm giữ phương tiện gây tai nạn.

Đến 15h ngày 20/3, Công an TP Tam Điệp yêu cầu anh Liên lái ô tô BKS 18C-073.48 đi cân tải trọng và kiểm tra hệ thống phanh tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 35-03D (cách kho tạm giữ phương tiện của Công an TP Tam Điệp 500m).

Đi cùng có Thiếu tá Vũ Mạnh Thắng, cán bộ Công an TP Tam Điệp. Khi xe đến gần cổng của Trung tâm đăng kiểm thì bị mất lái, đâm vào tường nhà dân, làm tài xế Liên tử vong tại chỗ, Thiếu tá Thắng bị thương.

Tác giả: Văn Thanh - Phúc Tuấn

Nguồn tin: Báo Giao thông