Việc smartphone tăng nhiệt cao sau một thời gian dài sử dụng là điều không bất thường, tuy nhiên khi nhiệt độ tăng cao sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động trên thiết bị, khiến các ứng dụng hoạt động ì ạch hơn và thậm chí smartphone phải tự khởi động lại khi nhiệt độ tăng vượt mức cho phép.
Một chiếc smartphone hoạt động ở tình trạng nhiệt độ cao trong một thời gian dài thậm chí có thể làm ảnh hưởng đến các linh kiện điện tử bên trong, làm giảm tuổi thọ của thiết bị và thậm chí tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến khả năng cháy, nổ pin.
Nhiệt độ smartphone tăng cao có thể làm ảnh hưởng đến hiệu suất thiết bị, làm giảm tuổi thọ linh kiện phần cứng và thậm chí tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ |
Vậy trong trường hợp bạn sử dụng smartphone và cảm thấy lớp vỏ máy trở nên nóng ran, làm cách nào để biết được nhiệt độ hiện tại của thiết bị là bao nhiêu và làm sao để nhanh chóng hạ nhiệt thiết bị?
Cooler Master là ứng dụng miễn phí, cho phép theo dõi nhiệt độ trên smartphone theo thời gian thực và đưa ra cảnh báo cho người dùng nếu nhiệt độ tăng lên quá cao. Ứng dụng cũng cho phép kiểm tra và đóng những ứng dụng khác đang hoạt động hoặc chạy ngầm trên thiết bị mà tiêu tốn quá nhiều CPU làm tăng nhiệt độ thiết bị, từ đó giúp hạ nhiệt smartphone
Download ứng dụng miễn phí tại đây hoặc tại đây (tương thích Android 4.0.3 trở lên). Ứng dụng có thể sử dụng cho cả máy tính bảng.
Giao diện chính của ứng dụng sẽ hiển thị nhiệt độ hiện tại của CPU trên thiết bị theo thời gian thực cũng như mức độ sử dụng CPU và bộ nhớ RAM của hệ thống và các ứng dụng trên thiết bị.
|
Trong quá trình sử dụng smartphone, nếu phát hiện thấy nhiệt độ trên thiết bị tăng lên quá cao, ứng dụng sẽ đưa ra lời cảnh báo cho người dùng. Hoặc bạn cũng có thể tự cảm nhận nhiệt độ trên thiết bị của mình và khi cảm thấy nhiệt độ smartphone quá nóng, bạn truy cập vào ứng dụng để xem nhiệt độ hiện tại trên thiết bị.
Tại đây, bạn nhấn vào nút “Detect Overheating Apps”, Cooler Master sẽ tự động quét và phát hiện những ứng dụng đang chiếm dụng quá nhiều CPU, bao gồm cả những ứng dụng chạy ngầm, khiến CPU trên thiết bị tăng nhiệt. Danh sách các ứng dụng sẽ được liệt kê, tại đây bạn nhấn nút “Clean up” để đóng các ứng dụng này để chúng không tiếp tục làm tăng nhiệt độ CPU trên smartphone.
|
Như vậy, thiết bị của bạn sẽ được “hạ nhiệt” để không làm ảnh hưởng đến hiệu suất cũng như tuổi thọ các linh kiện bên trong thiết bị.
Kích hoạt chế độ hạ nhiệt hiệu quả
Sau khi Cooler Master quét và đóng các ứng dụng gây tăng nhiệt trên smartphone, một số ứng dụng “cứng đầu” vẫn sẽ tự ý kích hoạt lại để chạy ngầm trên thiết bị khiến cho nhiệt độ ứng dụng tăng lên một lần nữa.
Để khắc phục vấn đề này, Cooler Master cung cấp cho người dùng chế độ quét và hạ nhiệt hiệu quả, giúp các ứng dụng đã bị đóng sẽ không thể tự ý chạy trở lại mà không có sự cho phép của người dùng.
Để kích hoạt chế độ này, từ giao diện chính của ứng dụng, bạn kích vào biểu tượng dấu 3 chấm ở góc trên bên phải, chọn “Settings”. Chọn tiếp “Advanced Settings” ở menu hiện ra sau đó, rồi kích hoạt chức năng “Long-lasting Cooling”.
|
Bạn chọn tiếp “Cooler Master” ở giao diện tiếp theo, sau đó chuyển từ chế độ “Tắt” sang “Bật” để cấp thêm quyền cho Cooler Master để có quyền hạn đóng lại các ứng dụng đang chạy ngầm.
|
Khi tính năng này được kích hoạt, quá trình quét các ứng dụng gây quá nhiệt có thể sẽ diễn ra lâu hơn, tuy nhiên hiệu quả hạ nhiệt của Cooler Master sẽ được tăng lên rất nhiều.
Những nguyên do khiến smartphone/máy tính bảng bị tăng nhiệt
Bên cạnh việc sử dụng Cooler Master để “hạ nhiệt” smartphone khi cần, việc biết được các nguyên nhân khiến thiết bị di động trở nên quá nóng sẽ giúp bạn có cách sử dụng thiết bị hợp lý hơn để giữ cho thiết bị hoạt động ở mức nhiệt độ hợp lý.
- Một vài ứng dụng có thể làm tăng nhiệt độ khi sử dụng: một số ứng dụng được thiết kế không thực sự tối ưu khiến chúng đòi hỏi rất nhiều tài nguyên từ CPU khi đang hoạt động hoặc thậm chí khi đang chạy ngầm, điều này sẽ làm tăng nhiệt độ của smartphone.
- Chạy đồng thời quá nhiều ứng dụng: những smartphone ngày nay có cấu hình mạnh mẽ nên việc chạy đồng thời quá nhiều ứng dụng là việc không khó khăn gì, tuy nhiên điều này cũng sẽ làm tiêu tốn nhiều tài nguyên hệ thống và dẫn đến nhiệt độ tăng trên smartphone.
- Sử dụng liên tục trong một thời gian dài: sử dụng smartphone liên tục để chơi game hay xem video cũng khiến nhiệt độ tăng cao trên thiết bị do phải hoạt động liên tục. Nếu nhận thấy smartphone quá nóng và ứng dụng cảnh báo nhiệt độ cao trên thiết bị, bên cạnh việc sử dụng Cooler Master để đóng các ứng dụng nhằm hạ nhiệt thiết bị, bạn cũng nên để smartphone nghỉ ngơi để hạ nhiệt trước khi tiếp tục sử dụng.
- Nhiệt độ tăng cao khi đang cắm sạc: trong khi sạc thiết bị, điện năng sẽ khiến smartphone tăng nhiệt và đó là điều bình thường. Người dùng nền đặt smartphone ở những nơi thoáng mát và tránh những vật dụng dễ cháy để đề phòng sự cố chập điện có thể xảy ra trong lúc cắm sạc gây ra hỏa hoạn.