Có thể dính bệnh sau chỉ 1 lần ăn
Bệnh nhân Đinh Văn H, nam, 30 tuổi (Hòa Bình) nhập viện với triệu chứng đau ở vùng gan và vàng da, chướng bụng. Khi siêu âm chụp CT bác sĩ phát hiện có tổn thương ở gan và khối u gan.
Lúc làm phẫu thuật, bác sĩ phát hiện có nhiều nang sán trên bề mặt nhu mô gan, sán gây tắc ngã ba đường mật của bệnh nhân. Khi mở đường mật sán trào ra ngoài.
Anh H. cho biết anh đã đi kiểm tra ở vài nơi bác sĩ nghi ngờ viêm tắc mật rồi lại ung thư gan… Anh H. lúc nào cũng có cảm giác đau và mệt mỏi, không muốn ăn. Khi phẫu thuật các bác sĩ phát hiện có các nang sán và bệnh còn ở giai đoạn sớm.
Không may mắn như anh H. trường hợp của ông Nguyễn Văn Đ. trú ở Đông Hưng, Thái Bình bị sán lá gan nhỏ mà không biết cứ sống chung với bệnh. Gần đây, ông Đ. có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn và vàng da.
Ông Đ. được bác sĩ kiểm tra phát hiện trong gan có khối u kích thước 2 – 3 cm và nhiều tổn thương ở gan nghi ngờ ung thư gan.
Ông Đ đến bệnh viện K trung ương khám, bác sĩ chỉ định sinh thiết tế bào gan. Ông Đ. không muốn phẫu thuật để cắt gan đi sinh thiết nên bỏ về vì nghĩ ung thư cũng không chữa được.
Sau khi về nhà, ông Đ đọc báo biết có thể sán lá gan nhầm với ung thư gan nên tìm đến các xét nghiệm ký sinh trùng. Kết quả xét nghiệm ELISA cho thấy ông Đ dương tính với sán lá gan nhỏ.
Tuy nhiên, bệnh của ông đã ở giai đoạn muộn, sán lá gan tồn tại gây tăng sinh và ung thư hoá ở vùng gan bị tổn thương.
Với những tổn thương của ông Đ bác sĩ nghi ngờ sán lá gan đã tồn tại ở cơ thể ông từ rất lâu. Ông Đ cho biết ông chỉ ăn gỏi cá duy nhất 1 lần khi đến nhà anh rể chơi và được mời món gỏi cá.
Vốn kỹ tính trong ăn uống, khi được mời ông chỉ có ý định ăn thử cho biết nào ngờ lần ăn đó cũng là lần ông mắc sán lá gan nhỏ mà không hề biết.
(Ảnh minh họa)
Thủ phạm bị lãng quên
GS Nguyễn Văn Đề - trưởng bộ môn ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh sán lá gan nhỏ là bệnh rất khó phát hiện và bị lãng quên. Bệnh nhân chỉ phát hiện ra khi bị u gan và các bệnh viêm tắc mật do sán lá gan nhỏ gây ra.
Bệnh sán lá gan nhỏ là một bệnh do nhiễm ký sinh trùng gây bởi loài sán lá gan nhỏ có tên khoa học là Clonorchis sinensis (C. sinen- sis), quá trình lây truyền bệnh thông qua một số loài ốc hoặc cá sống trong môi trường nước bẩn
Trên thế giới, sán lá gan nhỏ thường gặp ở Trung Quốc, Triều Tiên, Hồng Kông, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á như Philippine, Singapore, Malaysia và miền Bắc Việt Nam.
Tại Việt Nam, bệnh sán lá gan nhỏ phân bố ít nhất ở 18 tỉnh, thành phố như Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Hòa Bình, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Đăk Lăk. Gia Lai, có nơi tỷ lệ nhiễm tới 37% như ở Nam Định, Phú Yên.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân có liên quan đến tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng, mức độ nhiễm trùng đường mật cũng như tần suất tiếp xúc với vật trung gian gây bệnh.
Phần lớn bệnh nhân thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không điển hình như đau thượng vị, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sốt hoặc tiêu chảy. Một số trường hợp nặng hơn có triệu chứng vàng da tắc mật, viêm mủ đường mật hay xơ gan.
Sán lá gan phóng đại (Ảnh minh họa)
Sán lá gan thường không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán không chính xác do hầu hết bệnh nhân không có tiền sử rõ ràng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, không có triệu chứng đặc hiệu ở đường tiêu hóa và gan mật, đặc biệt do thầy thuốc chưa có kinh nghiệm khi khám lâm sàng.
Bệnh thường bị bỏ sót và được chẩn đoán khi bệnh nhân được phẫu thuật hoặc can thiệp thủ thuật vào đường mật. Ngày nay, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính trở thành công cụ giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý gan mật.
Theo GS Đề sống lâu trong gan sán lá gan nhỏ gây ra loạn sản tế bào gan, xơ hoá và chuyển thành ung thư gan. Rất nhiều bệnh nhân như ông Đ. tìm đến bác sĩ khi đã sinh u ở gan lúc này các bác sĩ chỉ điều trị được sán lá gan nhỏ mà không thể điều trị được ung thư gan.
Việc phòng tránh tốt nhất là nói không với gỏi cá hay các món tái từ cá nhất là cá đồng như cá diếc, cá rô phi, cá mè, cá chép…
Tác giả bài viết: Tiểu Nhã
Nguồn tin: