Uy lực đáng sợ của vũ khí có thể làm Triều Tiên điêu đứng

Admin
Hàn Quốc mới đây cho biết đã phát triển các công nghệ để chế tạo bom than chì, có khả năng làm tê liệt mạng lưới điện của Triều Tiên.

Theo một quan chức quân sự Hàn Quốc được Yonhap dẫn lời, “mọi công nghệ để phát triển bom than chì đều được đảm bảo an toàn. Chúng tôi đang ở giai đoạn có thể chế tạo bom bất cứ lúc nào". Thông tin này được đưa ra giữa lúc bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng do vụ thử hạt nhân lần 6 và các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng.

Bom than chì không gây sát thương, mà chủ yếu dùng để vô hiệu hóa mạng lưới điện của đối phương. Với biệt danh “bom cắt điện”, loại bom này chứa các sợi than chì đã qua xử lý hóa học. Khi phát nổ, các đám mây sợi than chì sẽ xâm nhập vào các cơ sở năng lượng, bám lên các đường dây tải điện, gây đoản mạch và làm gián đoạn mạng lưới điện.

 Chiến cơ Hàn Quốc thả bom trong một cuộc diễn tập chung với Mỹ. (Ảnh: AP)


Do than chì vốn là chất dẫn điện cực tốt nên sự xuất hiện của nó sẽ khiến dòng điện chạy theo nhiều hướng, gây ra rối loạn và đoản mạch. Cơ sở phát điện lúc đó có thể phát nổ và gây mất điện cục bộ cho những vùng xung quanh.

Tuy nhiên, khác với bom xung điện từ EMP, bom than chì chỉ dừng lại ở mức độ gây gián đoạn đường truyền tải điện, hoàn toàn không có khả năng làm hỏng các thiết bị điện. Bom than chì cũng không hiệu quả đối với dây điện cách điện và cũng có thể bị vô hiệu hóa bằng cách tắt mạng lưới điện cho đến khi đám mây carbon lắng xuống.

Loại bom này từng được Hải quân Mỹ sử dụng đầu tiên vào năm 1991 để cắt đứt mạng lưới điện ở Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Sau đó bom than chì tiếp tục được sử dụng ở Serbia trong cuộc xung đột Balkan năm 1999.

Theo nghiên cứu của tổ chức cố vấn Global Security, trong lần sử dụng đầu tiên, bom than chì đã “đánh sập” tới 85% lượng điện năng của Iraq. Còn trong lần sử dụng ở Serbia, bom chùm than chì BLU-114/B đã ảnh hưởng đến 70% nguồn điện của nơi này.

Sau lần sử dụng bom than chì ở Kosovo, người phát ngôn NATO Jamie Shea nhận định, tác động của loại vũ khí này chủ yếu là về tâm lý, vì đất nước bị nhắm bắn cảm thấy mất điện cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. “Chúng tôi có thể cắt đứt lưới điện bất cứ khi nào chúng tôi cần hay muốn”, Shea từng chia sẻ với hãng tin BBC.

Bom than chì hiện được phát triển bởi Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc như một phần của chương trình tấn công phủ đầu của Seoul nhằm vào Bình Nhưỡng có tên gọi “Chuỗi tiêu diệt” (Kill Chain). Các nhà phân tích tin rằng loại bom này sẽ có hiệu quả ở Triều Tiên, nơi vốn được coi là sở hữu những trang thiết bị lạc hậu, lỗi thời.

 Bom than chì BLU-114/B đã phá hủy 70% mạng lưới điện của Serbia. (Ảnh: RT)

Theo Congnghe, nếu sử dụng ở Triều Tiên, loại bom này hoàn toàn có thể đạt được hiệu năng tối đa vì chúng sẽ khiến cho các tên lửa của Triều Tiên phải nằm im trên bệ phóng vì mất điện, dẫn đến việc máy tính điều khiển cũng bị mất điện. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn có thể sử dụng các nguồn máy phát năng lượng dự phòng.

Do đó, việc sử dụng bom than chì chỉ có thể khiến Triều Tiên gián đoạn việc triển khai các tổ hợp tên lửa của mình, chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn được chúng. Do đó bom than chì chỉ thích hợp để tấn công các trung tâm điều khiển tên lửa của Bình Nhưỡng, hoặc cơ sở hạ tầng hỗ trợ việc triển khai tên lửa.

Bên cạnh đó loại bom này cũng có thể gây ra hiệu ứng tâm lý về cơ sở hạ tầng dân sự của Bình Nhưỡng. Trong quá khứ khi bị tấn công bằng bom than chì, Iraq đã phải tốn tới 24 giờ mới có thể khôi phục lại hệ thống điện của mình.

Theo VOV dẫn bài đăng trên báo Korea Times từ năm 2016, việc củng cố kho vũ khí của Hàn Quốc cũng bao gồm chương trình phòng thủ tên lửa và phòng không (KAMDP), có nhiệm vụ phát hiện và bắn hạ mọi vũ khí hạt nhân hướng tới nước này.

Ban đầu chương trình này dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2020, nhưng Hàn Quốc đã đẩy nhanh tiến độ trong bối cảnh phải đối mặt với chương trình vũ khí hạt nhân phát triển như vũ bão của Triều Tiên.

Trong khi đó, hôm 20/9, báo Korea Herald dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho hay nước này sở hữu một vũ khí "động năng" có thể dùng đối phó Triều Tiên mà không gây nguy hại cho thủ đô Seoul. Tuy nhiên, ông Mattis không tiết lộ cụ thể loại vũ khí bí mật đó là gì.

Sau đó tờ New York Times cho hay, Bộ Quốc phòng Mỹ từ lâu đã theo đuổi một chương trình tuyệt mật về phát triển vũ khí động năng. Đây là khái niệm chỉ một loại tên lửa cực nhanh, rất khó đánh chặn và không cần mang đầu đạn, nhưng có thể hủy diệt mục tiêu trên diện rộng một cách chớp nhoáng bằng năng lượng tạo ra khi va chạm ở tốc độ cao.