Venezuela đổi dầu lấy thức ăn

Lợi Trần
Venezuela sẽ chuyển dầu sang Jamaica, để đổi lấy hàng hóa như thực phẩm, thuốc men, công cụ làm nông và vật liệu xây dựng.

Tuần trước, Jamaica thông báo sẽ cung cấp 4 triệu USD dưới dạng hàng hóa và dịch vụ cho Venezuela. "Anh có thể nói đó là để đổi lấy dầu", Wesley Hughes - CEO Quỹ phát triển PetroCaribe của Jamaica cho biết trên CNN, "Còn Venezuela cần gì thì tự họ quyết".

Venezuela đang thiếu hụt nghiêm trọng thực phẩm và thuốc men. Người dân phải đợi hàng giờ bên ngoài các siêu thị để mua nhu yếu phẩm như sữa, trứng, bột mỳ. Nhưng chúng cũng thường xuyên hết hàng. Nhiều người khác thì đang chết dần trong những bệnh viện trang thiết bị tồi tàn.

Dù vậy, bất chấp tình trạng thiếu hụt triền miên, Chính phủ Venezuela vẫn từ chối sự hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo quốc tế. "Với họ, chấp nhận cứu trợ nhân đạo chẳng khác nào thừa nhận cuộc khủng hoảng này do Chính phủ gây ra", Erika Guevara Rosas - Giám đốc khu vực châu Mỹ tại Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết.

 

Người Venezuela phải rất khó khăn mới mua được nhu yếu phẩm. Ảnh: AFP


Tuy nhiên, họ lại chấp nhận hàng hóa dưới dạng trao đổi với Jamaica. Quốc gia này cũng đang hồi phục sau khủng hoảng kinh tế trong nước và phải cần đến cứu trợ từ IMF năm 2013.

"Họ có lẽ sẽ dùng gạo và đỗ để trả. Jamaica thực sự không thể trả tiền mặt đâu. Nên có lẽ họ sẽ gửi lương thực đến Venezuela", Russ Dallen - giám đốc hãng đầu tư Caracas Capital nhận xét.

Hughes cho biết Venezuela vẫn chưa nói rõ họ cần loại hàng hóa nào, nhưng xác nhận chúng là loại có sẵn và giá trị tương đương 4 triệu USD. Đây không phải lần đầu tiên nước này có giao dịch phi tiền mặt.

Từ năm 2007, Trung Quốc đã cho Venezuela vay 65 tỷ USD, theo tổ chức Inter-American Dialogue. Một phần số tiền này đã được trả bằng dầu. Năm ngoái, trung bình mỗi ngày, hãng dầu quốc doanh Venezuela - PDVSA chuyển gần 580.000 thùng dầu sang Trung Quốc.

Venezuela là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Có vẻ hiện tại, đây là loại tiền tệ duy nhất mà họ có sẵn, khi dự trữ ngoại tệ đang rất thấp.

Hợp đồng đổi dầu lấy thực phẩm của Venezuela cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực tại đây đang rất nghiêm trọng. Tháng trước, Tổng thống Venezuela – Nicolas Maduro đã mở cửa tạm thời biên giới với Colombia, để người dân sang đây mua hàng hóa cơ bản. Giới chức Colombia ước tính hơn 100.000 công dân nước láng giềng đã qua biên giới. Một số còn bật khóc khi thấy những kệ hàng đầy chật đồ ở đây.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng trước dự báo Venezuela sẽ chìm sâu vào khủng hoảng năm nay. IMF cho rằng GDP Venezuela sẽ giảm 10% năm nay, tệ hơn dự báo trước đó là 8%. Lạm phát ước tính cũng lên 700%, tăng so với con số trước đó là 480%. Venezuela gần đây còn ban hành điều luật yêu cầu mỗi công dân làm việc trong trang trại 60 ngày, để giải quyết tình trạng thiếu thốn lương thực.

Tác giả bài viết: Hà Thu