Thời gian qua, có một số thông tin nêu về việc xuất hiện các vết nứt trên vỏ bê tông phía Nam của hầm đường bộ Hải Vân 1 nối Thừa Thiên – Huế với TP Đà Nẵng có nguyên nhân nổ mìn thi công mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2.
Ông Đỗ Văn Nam, Giám đốc Ban Quản lý dự án hầm Hải Vân, thuộc Công ty CP đầu tư Đèo Cả, đơn vị được giao khai thác hầm Hải Vân và mở rộng hầm Hải Vân 2, khẳng định việc nổ mìn thi công mở rộng hầm Hải Vân 2 đã được chủ đầu tư, đơn vị thi công và tư vấn giám sát đã căn cứ thực trạng các vết nứt từ kết quả kiểm định để lựa chọn phương thức nổ mìn phù hợp, không gây ảnh hưởng.
Các vết nứt vỏ hầm Hải Vân do co ngót bê tông |
Từ tháng 3, khi thi công vào lớp đá cứng, nhà thầu tiến hành nổ mìn bằng biện pháp vi sai theo tiêu chuẩn Nhật Bản và quy chuẩn Việt Nam tại phía Bắc hầm Hải Vân với tần suất 1 lần/ngày vào khung giờ đóng hầm theo quy định. Đồng thời, Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam đã thực hiện việc đo quan trắc dao động định kỳ tại các vị trí trong hầm khi thi công nổ mìn.
Kết quả cho thấy, sau khi giám sát chấn động nổ mìn của các đợt nổ mìn đến nay thì không có trường hợp nào vượt quy định và không có hiện tượng kết cấu vỏ hầm Hải Vân và các công trình khác trong hầm bị hư hại.
Hiện, dự án mở rộng hầm Hải Vân 2 đã được phép thực hiện nổ mìn thí điểm lần 2 trong ngày. Đến nay, các đợt nổ mìn đang được thực hiện tại phía Bắc hầm Hải Vân 2 và chưa tiến hành thi công nổ mìn phía Nam hầm. Do đó không có việc ảnh hưởng bởi nổ mìn đến các vết nứt vỏ hầm tập trung chủ yếu tại phía Nam hầm Hải Vân.
Giải thích về các vết nứt ở trên vỏ hầm Hải Vân, ông Nam cho biết đã được phát hiện ngay từ sau khi đưa hầm vào khai thác từ năm 2005 và được theo dõi, báo cáo định kỳ. Cuối năm 2015, Hội đồng nghiệm thu kết quả kiểm tra, quan trắc đánh giá toàn bộ kết cấu hầm chính sau 8 năm hoạt động do Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), chủ trì và kết luận nguyên nhân của các vết nứt này là co ngót của bê tông, tác động của thay đổi nhiệt độ môi trường và tình trạng nứt của hầm Hải Vân vẫn đảm bảo an toàn cho giao thông trong hầm.
Các vết nứt không ảnh hưởng đến chất lượng công trình |
Sau khi tiếp nhận quản lý, khai thác hầm Hải Vân vào tháng 11-2015, Công ty CP đầu tư Đèo Cả đã thuê Công ty tư vấn Alpin Technick (Đức), khảo sát toàn diện hiện trạng nứt vỏ hầm bằng công nghệ quét hình ảnh ATIS Viewer thực hiện khảo sát, đánh giá chi tiết các vết nứt có nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn của công trình cần khắc phục.
Kết quả khảo sát và đánh giá theo tiêu chuẩn của Đức, đơn vị tư vấn, nhận xét hầu hết các vết nứt đều nằm trong giới hạn an toàn. Một số vết nứt có ảnh hưởng đến mỹ quan vòm hầm (chiếm tỷ trọng 2,5%) và đã tiến hành sửa chữa theo hồ sơ được Bộ GTVT thẩm định.
"Sau khi thi công hoàn thành, chúng tôi sẽ thuê lại công ty của Đức khảo sát toàn diện các vết nứt vỏ hầm để so sánh sự phát triển mới của vết nứt nhằm chính thức đề xuất giải pháp sửa chữa toàn bộ" – ông Nam cho biết thêm.