Vì sao lại là tết diệt sâu bọ?

Thành Trịnh
Người ta tin rằng, những thứ này không chỉ xua đuổi sâu bọ trên cây, mà còn diệt trừ bệnh tật trong người.

tet-doan-ngo-1-1717984703.PNG

Mâm cúng ngày 5/5 theo phong tục miền Bắc

Đầu ngõ leng keng tiếng rao cơm rượu, bánh tro. Mẹ tôi lom khom xé tờ lịch cũ, ghim vào cây đinh đóng cạnh ban thờ. Thoắt cái đã nửa năm, vừa qua tết Nguyên đán đã chộn rộn tới Đoan Ngọ. Thời gian cứ như cơn gió Lào hắt ngang ô cửa. Mẹ lẩm bẩm lắc đầu: "Nào đã kịp làm gì đâu!".

Đoan Ngọ nhằm mùng 5/5 âm lịch, được nhiều người Việt gọi là tết diệt sâu bọ. Chắc bởi những ngày giữa năm ẩm ương trong cái tiết nắng mưa bất chợt. Cái loại khí hậu chỉ sơ sẩy một chút liền khục khặc ho, chẳng những dễ nổi bệnh vặt trên người, mà còn hay sinh ra bệnh trên cây cối do sâu bọ quấy phá.

Thành ra ở quê tôi, đúng ngày 5/5, tầm 12 giờ trưa ngay cái khắc chính Ngọ, mọi người thường ra ngoài sân, súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, uống một chén cơm rượu cho say sâu bọ, rồi ăn một cái bánh tro để diệt sâu bọ. Người ta tin rằng, những thứ này không chỉ xua đuổi sâu bọ trên cây, mà còn diệt trừ bệnh tật trong người.

Hồi tôi tóc còn để chỏm, mẹ thường tự ủ cơm rượu, gói bánh tro. Cái ngày mà thứ bánh trái gì trong nhà cũng tự tay làm lấy khiến Tết Đoan Ngọ trở thành một cột mốc đáng để chờ mong.

Mẹ chọn kỹ loại nếp thượng hạng để ủ cơm rượu. Những hạt to mẩy, đồng đều sẽ được đem giã cho rơi lớp vỏ ngoài, giữ lại màng bọc vàng đục của cám. Lấy thành phẩm đi nấu xôi rượu. Xôi rượu được hấp nhiều lần. Khi đủ độ chín, mẹ đem xôi bới ra cái nia to, chờ nguội hẳn mới đơm vào rổ. Cứ lần lượt ướp một lớp xôi rượu, một lớp men. Men rượu được mua từ mấy quầy bán lâu năm, được ủ thuần cái tinh túy của cây cỏ. Xong xuôi, mẹ ra vườn tước mấy tàu lá chuối, đem đi rửa sạch, đem phủ kín mớ cơm rượu vừa ủ. Nước cơm rượu thơm thoảng vị nếp, pha chút hương đồng nội, rất dễ uống, phù hợp với cả người già, phụ nữ, trẻ con.

Bánh tro thì tốn công hơn. Mẹ lựa những hạt gạo mẩy nhất để làm bánh. Gạo mua về đem ngâm trong nước tro được đốt từ một số loại thảo mộc, sau đó pha thêm ít nước vôi trong. Khâu này cần kinh nghiệm lâu năm để đong đếm, bởi nếu cho nhiều quá thì bánh sẽ nồng, mà ít quá bánh lại nhạt nhẽo. Ngâm gạo với nước tro qua một đêm, dùng tay miết thử, thấy đầu hạt gạo mịn, màu gạo ngả vàng óng ánh là đã đạt yêu cầu.

Mẹ tước lá chuối sau vườn, lau sạch bụi, rồi xếp từng thớ chồng lên nhau. Bỏ gạo đã ngâm vào lá, gói lại thành hình tam giác như cái bánh ú, buộc chặt bằng dây lạc mảnh. Bánh cột thành chùm 10 cái, đem đi hấp ngập nước trong 2 tiếng, rồi vớt ra bỏ vào nước lạnh để bánh mau nguội và giữ được màu xanh của lá. Bánh tro có vị lạt, nên thường ăn kèm cùng mật mía. Màu bánh vàng ươm như hổ phách, thoảng chút hương vôi, ngai ngái vị đồng nội của cây cỏ, ăn dính dính mềm mềm. Thành ra, bánh tro chẳng phải thức ăn hợp sự vội vã. Nó cần cắn từng miếng, nhai từ tốn để nếp không siết lấy răng. Mẹ hay rèn nết ăn chậm nhai kĩ cho tôi từ những chiếc bánh tro Mùng 5 chắc cũng vì lẽ ấy.

Đã gần 7 năm mẹ chẳng còn ủ cơm rượu hay gói bánh tro. Đôi chân bị ghìm bởi đôi nạng chống như phong ấn luôn những mùa tết Đoan Ngọ ở nhà. Mẹ đội nón đi chợ. Tôi đỡ tay mẹ, nhìn bóng lưng bà cong khuỵu dưới cái nắng đầu hạ. Quầy hàng cơm rượu, bánh tro nườm nượp người tới mua đang hắt từng hơi men thơm nồng của nếp. Những chai cơm rượu được đong đầy, xếp thành hàng trên bàn nhựa đỏ. Vài hũ cơm rượu bán lẻ nhỏ hơn được đặt cạnh bên, tiện cho ai muốn ăn uống liền tại chỗ. Mẹ mua vừa đủ cho một mâm cúng nhỏ. Trong bóng nắng ngang vành nón lá, chúng tôi dìu nhau về trên con đường làng vừa rải nhựa còn lắm lấm lem.

Những thức ăn ngày bé tôi luôn trông đợi nay đã trở thành một loại phong tục, được gìn giữ trong kí ức. Cuộc sống vội vã mưu sinh đôi khi khiến tôi quên bẵng đi niềm háo hức ngồi trông nồi bánh tro hay lật giở mớ lá ủ cơm rượu như thuở nhỏ. Nhưng có lẽ, đâu đó trong mấy nẻo đường về, mẹ và tôi đều cầu mong chút bình an trong nửa năm sắp tới.