Vì sao sinh viên ra trường khó tìm được việc làm?

Cao Hiếu
Hiện nhiều bạn trẻ cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp xếp loại khá - giỏi, nhưng vẫn khó khăn khi tìm kiếm việc làm.

Có nhiều lý do khiến sinh viên ra trường khó tìm được việc làm, thậm chí dẫn đến tình trạng thất nghiệp kéo dài. Để biết được vì sao các bạn sinh viên mới ra trường lại rơi vào tình trạng này, chúng ta hãy tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.

vi-sao-sinh-vien-ra-truong-kho-tim-duoc-viec-lam-1706673750.jpg


Nhiều sinh viên không tìm được việc làm sau tốt nghiệp. (Ảnh minh họa)

Vì sao sinh viên mới ra trường khó tìm việc làm?

Phân tích về tình trạng sinh viên khó xin việc hiện nay, PSG.TS Ngô Văn Giá, nguyên trưởng khoa Báo chí, trường Đại học Văn hoá Hà Nội chia sẻ, nhiều lý do khiến sinh viên ra trường loay hoay tìm việc. Trong đó ba nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới khả năng xin việc của sinh viên.

Thứ nhất, các em còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm làm việc. Điều này, các em nên tự rèn luyện và học hỏi trong quá trình học tập tại trường đại học.

Thứ hai, các sinh viên thường có tâm lý rụt rè, ngại tiếp xúc với các thầy cô. Các thầy cô sẽ tạo điều kiện, hướng dẫn các em tới các cơ sở làm việc, liên hệ giúp các em để có thể xin làm những công việc bán thời gian. Đây chính là nền tảng để các em có cơ hội cao hơn sau này.

Ngoài ra, theo góc nhìn của ông, các trường đại học và doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu việc làm của sinh viên. Với trường đại học cần mở rộng việc hợp tác với doanh nghiệp. Sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cũng có thể được ưu tiên, tham gia hỗ trợ làm việc cùng các doanh nghiệp.

Sinh viên cần chuẩn bị sẵn hành trang gì?

Hiện doanh nghiệp rất cần những sinh viên có khả năng giao tiếp và xử lý công việc hiệu quả. Khi phỏng vấn, các nhà tuyển dụng thường đặt ra nhiều câu hỏi tình huống để đánh giá được tố chất của mỗi ứng viên. Ngoài lý thuyết trên lớp, sinh viên hãy mạnh dạn tham gia hoạt động ngoại khóa, bởi nó sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên xin việc sau này.

Đồng thời, bạn cần thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi. Việc sợ sai, ngại hỏi… sẽ là rào cản lớn để phát triển kỹ năng và công việc sau này. Những ứng viên có thái độ tích cực sẽ chiếm được thiện cảm lớn từ nhà tuyển dụng.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và phát triển. Vì thế, để ứng tuyển vào các doanh nghiệp trong hay ngoài nước, đòi hỏi sinh viên mới ra trường cần có khả năng ngoại ngữ tốt. Khi thông thạo ngoại ngữ, bạn sẽ tự tin hơn khi thể hiện khả năng của bản thân trước mắt nhà tuyển dụng.

Từ đó, sinh viên cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các kỹ năng mà nhà tuyển dụng kỳ vọng để có vị trí việc làm phù hợp trong thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.