|
Theo đó, toàn bộ khoản nợ của công ty Tân Hương tại VietinBank tính đến ngày 20/6 là 324,9 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc hơn 99 tỷ, lãi cộng dồn 168,8 tỷ và lãi phạt là hơn 57 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là toàn bộ hệ thống nhà xưởng, vật kiến trúc được xây dựng trên hai lô đất có diện tích 23.164,60 m2 và 2.557,9 m2 đất thuê tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Một số máy móc như một cầu trục lăn hai dầm, một máy xúc đào bánh lốp, hàng hóa sắt thép các loại cũng là tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên.
Ngoài ra tài sản đảm bảo là loạt bất động sản tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, gồm nhà và đất ở tại phố Lãn Ông, phường Phan Bội Châu; 6 quyền sử dụng đất tại địa chỉ khu 7, khu 6 phường Quán Toan.
Công ty Tân Hương được thành lập từ tháng 4/2000, có địa chỉ tại Km 8 Đường 5 cũ phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Hương, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất gang, thép, xi măng, thạch cao... Ngoài ra còn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng như cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị.
Trước đó, VietinBank cũng rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Vũ Quang với giá khởi điểm 20,3 tỷ đồng. Tính đến 14/4 tổng dư nợ của doanh nghiệp này là 20,3 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 16,4 tỷ. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Vũ Quang là hàng chục bất động sản tại các quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, quận 8 và huyện Củ Chi.
Cụ thể, tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà tại lô đất 43,8 m2 có địa chỉ 120/86/63 đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận. Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại 32/22 đường Nguyễn Huy Lượng, phường 14, quận Bình Thạnh có diện tích 72.6 m2, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại 451/64, đường Phạm Thế Hiển, phường 3, quận 8 có diện tích 63,1 m2.
Ngoài ra, tài sản còn là quyền sử dụng 15 thửa đất với mục đích sử dụng là đất vườn có tổng diện tích là 8.945 m2 đất tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi.
Không chỉ VietinBank, hàng loạt các ngân hàng lớn đều đang cố gắng bán nợ bằng khối toàn sản thế chấp nhằm thu hồi vốn.
Tại BIDV, ngân hàng cho biết đang tìm kiếm tổ chức bán đấu giá khoản nợ gần 4.838 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là dự án bất động sản tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM và mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Theo tìm hiểu, dự án được nhắc tới trong thông báo của BIDV chính là dự án Kenton Node (nay là Grand Sentosa) do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư.
Theo thông báo, dự án được đồng thế chấp tại 3 nhà băng BIDV, MSB và PVCombank, trong đó, BIDV chiếm 58% giá trị tài sản thế chấp, tương đương 4.545 tỷ đồng.
Dự án bất động sản này mới được đổi tên thành Grand Sentosa sau khi có sự tham gia của Tập đoàn Novaland. Dự án ban đầu có quy mô 9 tòa nhà, với 1.640 căn hộ, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Tuy nhiên, sau vài lần ngừng thi công rồi tái khởi động lại, đến nay, dự án đã được điều chỉnh trở thành tổ hợp thương mại dịch vụ, nhà ở cao cấp với quy mô hơn 2.000 căn hộ, nhà phố.
Một dự án bất động sản liên quan khoản nợ xấu đang bị Agribank rao bán là Tổ hợp thương mại dịch vụ và chung cư cao cấp Tricon Towers. Dự án có địa chỉ tại mặt đường đại lộ Thăng Long, thuộc khu đô thị mới Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Đây là dự án do Công ty CP Đầu tư Minh Việt làm chủ đầu tư và được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản nợ hơn 169 tỷ đồng tại Agribank.
Năm 2009, dự án được quy hoạch trở thành tổ hợp thương mại dịch vụ và chung cư cao cấp với tổng vốn 145 triệu USD, chủ đầu tư cam kết bàn giao nhà trong năm 2021. Tuy nhiên, đến năm 2013, dự án mới chỉ hoàn thành phần khối đế, trong khi Công ty Minh Việt bị khách hàng tố ôm hơn 400 tỷ đồng tiền đặt cọc bỏ trốn.
Tương tự, Dự án sân golf và biệt thự nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc tại thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng là tài sản đảm bảo liên quan khoản nợ hơn 800 tỷ đồng của Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đô thị (CUD) phát sinh tại Oceanbank từ năm 2007.
Theo ngân hàng, dự án này có quy mô hơn 50 ha, ban đầu được quy hoạch trở thành tổ hợp sân golf, khách sạn 5 sao, khu biệt thự, nhà vườn và các công trình phụ trợ khác...
Năm 2009, dự án thuộc diện phải chia tách hoạt động sân golf độc lập với khu đô thị. Vì vậy, chủ đầu tư đã dùng phần tài sản thuộc sân golf góp vốn vào pháp nhân mới là Công ty CP Khu nghỉ dưỡng và Sân golf Đầm Vạc để vận hành, quản lý.
Sau đó, các cổ đông CUD đã hoán đổi cổ phần sang pháp nhân mới, từ đó phát sinh một khoản công nợ phải thu gần 277 tỷ đồng.
Theo Oceanbank, CUD đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản và yêu cầu phải trả lại nguyên trạng tài sản. Tuy nhiên, đến nay, CUD vẫn chưa thực hiện theo yêu cầu của ngân hàng, trong khi Oceanbank đã nhiều lần rao bán khoản nợ nhưng bất thành.
Ngoài các bất động sản kể trên, hàng loạt dự án cũng đang là tài sản thế chấp cho các khoản nợ bị ngân hàng rao bán gần đây.
Trong đó, tòa nhà PV Gas Tower tại TP HCM là tài sản liên quan khoản nợ hàng chục tỷ đồng Vietcombank rao bán nhiều lần không thành; Dự án Khu dân cư phố 4 tại phường Phước Long A, quận 9, TP HCM là tài sản thế chấp liên quan 2 khoản nợ 515 tỷ của Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà Bách Giang và Công ty TNHH Xây dựng thương mại Cao Nguyên tại BIDV; một phần dự án Xi Grand Court 256-258 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP HCM là tài sản thế chấp đã bị Sacombank thu giữ và rao bán thanh lý…
Tác giả: Đông Bắc
Nguồn tin: doanhnhanvn.vn