1.000 điểm - ngưỡng hỗ trợ quan trọng của VN-Index và cũng là ngưỡng quyết định tâm lý của nhiều nhà đầu tư đã được trụ vững sau một phiên giao dịch đầy biến động ngày hôm nay (9/2). Hết phiên giao dịch, VN-Index giảm 19,31 điểm (gần 1,9%) còn 1.003,94 điểm. Trên sàn Hà Nội, cả HNX-Index và UPCOM-Index đều giữ được sắc xanh sau khi lực cầu tăng mạnh vào cuối phiên.
Lực cầu tăng đột biến từ khoảng 14h chiều đã kéo nhiều cổ phiếu “trở lại mặt đất”. Số cổ phiếu giảm trên sàn HoSE chỉ còn 174 cổ phiếu, trong khi số cổ phiếu tăng đã vượt qua con số 100. Tuy nhiên, thanh khoản toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp với gần 8.000 tỷ đồng giá trị giao dịch, con số này chỉ bằng một nửa so với phiên giao dịch đột biến 6/2.
Kết thúc một tuần giao dịch đầy biến động, VN-Index đã giảm hơn 100 điểm, từ mức 1.110 điểm vào cuối thứ 6 tuần trước về sát ngưỡng 1.000 điểm, tương đương với giá trị vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường gần 280.000 tỷ đồng. Tuần thứ 2 của tháng 2 cũng đã đi vào lịch sử của thị trường chứng khoán khi ghi nhận những phiên giảm điểm kỷ lục từ trước tới nay.
Trước đó, mở cửa phiên sáng nay (9/2), thị trường chịu áp lực bán tháo mạnh ngay từ đầu phiên khiến phần lớn cổ phiếu trên thị trường chìm trong sắc đỏ. Tính tới 9h30, VN-Index giảm hơn 45 điểm, tương đương gần 5% về dưới ngưỡng 980 điểm. Đây cũng là phiên giao dịch thứ hai trong tuần này, chỉ số đại diện cho HoSE về dưới mốc 1.000 điểm.
Đến trưa, đà giảm dù đã thu hẹp so với thời điểm mở cửa nhưng diễn biến giao dịch tiêu cực vẫn là chủ đạo của thị trường cho tới kết thúc phiên sáng. “Sắc đỏ” của VN-Index được thu hẹp về còn 34 điểm tính tới 13h30 ngày 9/2 so với hơn 45 điểm lúc mở cửa. Tuy nhiên, số cổ phiếu giảm vẫn đang áp đảo khi gấp 5 lần nhóm giữ được sắc xanh. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index thu hẹp về chỉ còn giảm trên dưới 1%.
Tuy vậy, tín hiệu tiêu cực vẫn còn khi thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức thấp với hơn 5.000 tỷ đồng giá trị giao dịch, phần nào cho thấy tâm lý thận trọng từ phía nhà đầu tư. Theo một số chuyên gia, nhiều nhà đầu tư trên thị trường đang bước vào giai đoạn tâm lý lưỡng lự khi không biết có nên tiếp tục nắm giữ hay bán chốt lời.
“Thị trường diễn biến khá phức tạp trong thời gian gần đây khi những phiên tăng giảm với biên độ lớn xảy ra đan xen. Nhiều nhà đầu tư đang đứng trước ngã ba đường khi vừa muốn nắm giữ để chờ thị trường phục hồi, nhưng cũng lo ngại đà giảm bị kéo giãn”, một chuyên gia nhận định.
Theo lịch nghỉ Tết từ Sở HoSE, thị trường sẽ tiếp tục giao dịch thêm 2 phiên đầu tuần sau, trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày. Tâm lý nghỉ Tết cũng là nguyên nhân được nhiều chuyên gia nhắc đến trong thời gian gần đây khi lý giải sự lao dốc của thị trường.
Nhóm VN30, đại diện 30 cổ phiếu vốn hóa trên thị trường chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa phiên giao dịch. Ảnh chụp bảng giá điện tử Công ty chứng khoán VNDirect. |
Trong báo cáo chiều muộn ngày hôm qua (8/2), phần lớn công ty chứng khoán đều đưa ra góc nhìn thận trọng cho diễn biến giao dịch trong phiên cuối tuần khi những phiên giao dịch gần đây, thị trường đang bộc lộ những dấu hiệu không ổn định.
Kết thúc phiên giao dịch 8/2, VN-Index đã giảm hơn 17 điểm, tương đương 1,67%. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), lượng hàng bắt đáy T+3 chưa về tài khoản nhà đầu tư mà VN-Index đã giảm khá mạnh là biểu hiện của lực cầu suy yếu cùng áp lực bán cắt lỗ.
Cùng quan điểm này, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng hoạt động bán có thể sẽ vẫn tiếp tục trong phiên hôm nay do hiệu ứng của kỳ nghỉ Tết dài. Và sự phục hồi trở lại, theo công ty này, nhiều khả năng sẽ chỉ bắt đầu trong hai phiên đầu tuần sau.
Chốt phiên giao dịch tối qua, thị trường chứng khoán Mỹ cũng trải qua một đợt bán tháo mạnh khi Dow Jones mất 4,15%, tương đương 1.033 điểm. Đây là lần thứ hai trong tuần chỉ số này giảm trên 1.000 điểm.
Chứng khoán châu Á sáng nay cũng nối gót Mỹ đi xuống, tuy không mạnh như phiên thứ Tư. Thị trường Nhật Bản, Hong Kong, Trung Quốc đều đã vào giai đoạn điều chỉnh, khi các chỉ số chính hiện thấp hơn 10% so với đỉnh cuối tháng 1.
MSCI châu Á – Thái Bình Dương đã mất 2,4%. Tại thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á – Nhật Bản, Nikkei 225 sáng nay vẫn duy trì mức giảm quanh 3,2%, còn Topix mất 2,84%. Trong khi đó, đà giảm của Shanghai Composite (Trung Quốc) đã tăng tốc lên 5,19%. Hang Seng Index (Hong Kong) cũng mất 4,2%.
Kospi (Hàn Quốc) có mức giảm thấp hơn nhiều so với 2 thị trường trên, với 1,9%. Chỉ số tại hàng loạt sàn khác trong khu vực, như Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Australia , Singapore, Thái Lan cũng đồng loạt đi xuống.a