Vỡ mộng hôn nhân: Giấc mơ gia đình biến thành nỗi ám ảnh
Sau 3 năm yêu nhau, Hạnh (25 tuổi) và Quân (27 tuổi) bước vào hôn nhân bằng một đám cưới như mơ. Khách sạn sang trọng, bạn bè, người thân không tiếc lời khen ngợi: “Đúng là trai tài gái sắc!”. Nhưng chỉ vài tháng sau, cái gọi là “giấc mơ” ấy đã tan như bong bóng xà phòng.
“Nếu biết trước cuộc sống hôn nhân như vậy, có lẽ tôi đã không vội lấy chồng”, Hạnh nghẹn ngào chia sẻ.
Hạnh cho biết, do cô mới đi làm, sự nghiệp chưa ổn định, tài chính còn phụ thuộc. Ngược lại, chồng cô - người từng ngọt ngào, lãng mạn khi yêu, nay lại dồn toàn bộ thời gian vào công việc. Tình cảm vợ chồng dần bị thay thế bằng những khoảng lặng kéo dài, những ngày cuối tuần lạnh lẽo không lời hỏi han.
Mọi chuyện càng phức tạp hơn khi Hạnh phải sống chung với mẹ chồng đã nghỉ hưu. Tưởng chừng sẽ là chỗ dựa, người đồng hành, nhưng bà lại nghiêm khắc đến mức soi xét từng hành động của con dâu: “Tiết kiệm vào, đừng phung phí!”, “Sao suốt ngày đặt đồ ăn ngoài thế?”, “Làm dâu là phải biết vun vén”…
Trong khi chồng chỉ nghe theo mẹ, Hạnh dần cảm thấy mình trở nên vô hình trong chính tổ ấm của mình.
“Tôi không có tiếng nói gì trong gia đình, cảm giác như đang sống cuộc đời của người khác. Điều này khiến tôi vỡ mộng về một gia đình hạnh phúc, cảm thấy chán nản và bất lực vô cùng”, Hạnh giãi bày.
Sau hơn một năm sống trong áp lực, cô gái trẻ rơi vào khủng hoảng tâm lý nặng nề. Mất ngủ triền miên, cảm giác vô dụng, bế tắc kéo dài khiến Hạnh từng có ý định tự tử. Rất may, gia đình đã phát hiện kịp thời và đưa cô đi điều trị.
![]() |
Ảnh minh họa |
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Hoàng Quốc Lân, thành viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, cho biết khi đến khám, Hạnh gần như cạn kiệt năng lượng sống. Các bài test tâm lý cho thấy cô mắc chứng trầm cảm nặng, cần can thiệp điều trị chuyên sâu.
Ngoài liệu pháp cá nhân (CBT – liệu pháp nhận thức hành vi) giúp Hạnh dần thay đổi góc nhìn tiêu cực về bản thân, bác sĩ Lân còn triển khai liệu pháp hệ thống gia đình, trực tiếp làm việc với chồng và mẹ chồng để giúp họ hiểu và hỗ trợ Hạnh một cách đúng đắn.
Sau 3-4 tháng điều trị kiên trì, Hạnh đã khác trước rất nhiều. Cô học được cách thiết lập ranh giới mềm mỏng nhưng hiệu quả, biết bảo vệ cảm xúc của mình mà không gây tổn thương đến người khác. Quan trọng hơn, cô tìm lại được tiếng nói trong chính ngôi nhà của mình – thứ từng bị đánh mất khi cuộc sống hôn nhân không như mơ.
Chuyên gia Quốc Lân chia sẻ, rất nhiều nàng dâu trẻ hiện nay mang trong mình lối sống hiện đại, tự do, nên khi “va” vào những nề nếp cũ kỹ, khắt khe của nhà chồng sẽ dễ bị "sốc văn hóa". Cảm giác bị kiểm soát, không được thấu hiểu khiến họ dần trở nên lạc lõng, cô đơn giữa chính mái nhà mình.
Làm gì để vượt qua khủng hoảng hôn nhân?
Theo chuyên gia, để vượt qua những khủng hoảng sau hôn nhân, phụ nữ cần học cách yêu thương chính mình trước. Dành thời gian cho bản thân bằng những việc nhỏ như đọc sách, cà phê với bạn bè, tập thể dục hay chỉ đơn giản là đi dạo… đều có thể giúp tinh thần được "nạp lại pin".
Ngoài ra, việc duy trì những mối quan hệ tích cực ngoài phạm vi gia đình – như bạn bè, đồng nghiệp – cũng đóng vai trò rất lớn. Những cuộc trò chuyện, những lần chia sẻ sẽ giúp người trong cuộc không cảm thấy đơn độc và dễ bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực.
“Việc được làm những gì mình thích, chia sẻ những suy nghĩ với bạn bè mình tin tưởng sẽ giúp chị em “sạc lại năng lượng” tích cực sau những giờ phút căng thẳng. Hơn nữa, chị em cũng cần thay đổi suy nghĩ về nhà chồng, hãy tìm điểm tích cực để nhân lên, không nên chỉ nhìn điểm tiêu cực để chính mình cũng bị cuốn vào “hố sâu” đó”, chuyên gia Quốc Lân khuyên.
Tác giả: Kim Ngân
Nguồn tin: giadinhonline.vn