Vũ công ballet và thi thể 18 phần của chính trị gia

Lợi Trần
Ông D nằm trên sàn nhà, hai mắt nhắm nghiền trong tiếng lẩm bẩm quỷ dị của thầy pháp, yên lặng chờ đợi “tài lộc từ trên ban xuống”. Tuy nhiên, một lưỡi rìu giáng xuống. Thi thể ông bị chặt ra thành 18 phần và chôn cất gần nhà thầy pháp


Maznah Ismail thường được biết đến với nghệ danh Mona Fandey – từng hoạt động trong làng nghệ thuật với tư cách một ca sỹ nhạc pop kiêm vũ công ballet dưới nước. Sau khi giải nghệ, Mona Fandey chuyển sang làm thầy pháp và kiếm sống dựa trên sự mê tín dị đoan của nhiều người dân Malay, trong đó có cả những chính trị gia cấp cao.

Cái chết thảm khốc của chính trị gia

Tháng 7 năm 1993, một chính trị gia tên D đến tìm Mona để nhờ bà ta sử dụng pháp thuật siêu nhiên của mình giúp ông thăng tiến trong sự nghiệp chính trị. Mona (45 tuổi) cùng chồng là Mohamad Nor Affandi Abdul Rahman (44 tuổi) và một trợ lý tên Juraimi Hassan (31) điều hành một cơ sở cúng bái có tiếng ở Malaysia. Mona hứa sẽ giúp đỡ chính trị gia D bằng cách ban cho ông một lá bùa “bất khả chiến bại”.
 


Đối lại, ông D phải trả cho Mona tổng cộng 2,5 triệu ringgit (100.000 USD), trong đó đặt cọc trước 500.000 ringgit và 10 tờ giấy chứng nhận sở hữu đất để bảo đảm cho 2 triệu còn lại. Ngày 2 tháng 7 năm 1993, ông D được thông báo mất tích sau khi rút 300.000 ringgit (12.000 USD) khỏi một ngân hàng ở Kuala Lumpur. Thực chất, ông ta đã đi tìm thầy pháp Mona.

Sau khi đôi bên đã thỏa thuận xong, vợ chồng thầy pháp Mona yêu cầu ông D tham gia một nghi lễ cầu nguyện thần bí. Theo đó, ông D nằm trên sàn nhà, hai mắt nhắm nghiền trong tiếng lẩm bẩm quỷ dị của thầy pháp Mona, yên lặng chờ đợi “tài lộc từ trên ban xuống”. Tuy nhiên, tài lộc đâu không thấy nhưng ông D đã đi thấy… tử thần.

Một lưỡi rìu giáng xuống đã chặt đứt đầu ông D. Thi thể ông bị chặt ra thành 18 phần và chôn cất gần nhà thầy pháp Mona ở bang Pahang, cách Thủ đô Kuala Lumpur khoảng 130km về phía Đông Bắc. Ngày hôm sau, hàng xóm của thầy pháp Mona nhìn thấy bà ta chễm chệ trên một chiếc Mercedes-Benz có cửa nâng – chiến lợi phẩm bà thu được sau khi trở về từ chuyến shopping sang chảnh ở Thủ đô. 

Song, Mona không thể tận hưởng sự xa xỉ này lâu dài. Ngày 22/7, cảnh sát tìm thấy thi thể chính trị gia D. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Mona và chồng bà ta ngay lập tức trở thành nghi can số một của cảnh sát.

Phiên tòa xét xử

Mona cùng chồng và trợ lý bị đưa ra xét xử tại Tòa án Tối cao Temerloh vào năm 1995. Bồi thẩm đoàn bao gồm 7 người, Thẩm phán là ông Datuk Mokhtar Sidin. Ba bị cáo bị buộc tội cố ý giết người theo Điều 302 của Bộ luật Hình sự Malaysia.

Mona xuất hiện tại phiên tòa trong bộ trang phục hàng hiệu đắt tiền và màu mè, gương mặt luôn mỉm cười và tích cực tạo dáng trước các phóng viên. “Dường như tôi có rất nhiều người hâm mộ” – Mona hớn hở, không có chút gì lo lắng. 

Nụ cười luôn hiện diện trên mặt Mona trong suốt phiên tòa xét xử. Thi thoảng, người ta còn nghe từ miệng bà ta thốt ra câu “aku takkan mati”, nghĩa là “ta sẽ không bao giờ chết”. 

Trong suốt quá trình xét xử kéo dài 65 ngày, thẩm phán đã nghe lời khai của 76 nhân chứng. Các công tố viên trình bày động cơ giết người của các bị cáo là để chiếm đoạt tài sản phục vụ thú vui mua sắm xa xỉ. Juraimi, trợ lý vợ chồng Mona bất ngờ đứng ra làm chứng chống lại hai người. Juraimi đã tiết lộ những chi tiết khủng khiếp của vụ giết người. 

Theo lời của y, nạn nhân D đã bị sát hại trong khoảng thời gian từ 10h tối ngày 2/7 đến 12h đêm ngày 18/7/1993 ở làng Kampung Peruas, bang Pahang. Thi thể của nạn nhân được tìm thấy vào ngày 22/7, trong trạng thái bị chôn sâu 1,8m bên dưới một căn nhà đang thi công dở dang, miệng hố chôn được lấp bằng một nắp bê-tông. 

Affandi – chồng của Mona – nói rằng nạn nhân D đã nợ y 2 triệu ringgit (526.000 USD) tiền mua bùa. Mona thì khai rằng bà ta đã ban bùa cho nhiều chính trị gia khác để giúp họ thăng tiến trong sự nghiệp.

Sau 70 phút thảo luận, bồi thẩm đoàn đã đi tới phán quyết nhất trí cả 3 bị cáo đều có tội. Cả Affendi và Mona đều mỉm cười bình tĩnh khi đón nhận phán quyết tử hình từ Thẩm phán vào ngày 9/2/1995. Khi được Thẩm phán yêu cầu nói lời sau cuối, Affandi và Mona nói rằng sẽ tôn trọng phán quyết của tòa. 

Sau đó, Thẩm phán đã thông qua bản án tử hình bằng hình thức treo cổ đối với 3 bị cáo. Trả lời trước báo chí về bản án tử, Mona vẫn không tắt nụ cười. “Tôi rất vui và cảm ơn tất cả người dân Malaysia.”

Bản án treo cổ

Không lâu sau, Mona và Affandi làm đơn kháng cáo gửi lên Tòa án Liên bang Malaysia. Thủ tục kháng cáo bắt đầu vào tháng 6/1998 những sau đó đã bị hoãn lại đến năm 1999. Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, Thẩm phán Tòa án Liên bang quyết định bác bỏ đơn kháng cáo, đồng thời giữ nguyên bản án tử đối với 3 người.

Ngày 2/11/2001, bản án treo cổ diễn ra tại nhà tù Kajang. Trước đó một hôm, Mona và Affandi được phép gặp gỡ người thân trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Đối diện trước những người thân và đặc biệt là những đứa con của mình, Mona và Affandi đã không còn giữ được vẻ ngoài bình tĩnh và tươi cười như trong phiên tòa sơ thẩm. 

Cả hai đã khóc rất nhiều và không ngừng căn dặn con cái “lớn lên trở thành người tốt” và “tự chăm sóc bản thân”. Câu nói “ta sẽ không bao giờ chết” vẫn liên tục phát ra từ miệng của Mona cho dù bà ta đang chuẩn bị bước lên giá treo cổ. Đến tận bây giờ, người ta vẫn không biết hàm ý thật sự của Mona đằng sau câu nói đó.

Theo tục lệ của Malaysia, các tử tù sẽ được yêu cầu bữa ăn mà họ yêu thích trước khi chết nhưng Mona, Affandi và Juraimi lại từ chối ân huệ đó. Họ tỏ ra bình tĩnh, rất ít nói và không yêu cầu gì trong những giờ phút cuối đời. 

Trước giờ thi hành án, ba tử tù bị còng tay, đội mũ trùm đầu và áp giải đến một căn phòng nằm kế bên phòng treo cổ. Vào lúc 5h59 phút ngày 2/11/2001, Mona, Affandi và Juraimi đã bị treo cổ. Thi thể của Mona và Affandi sau đó được đem chôn tại một nghĩa trang ở Kajang, trong khi Juraimi được đưa về chôn cất tại quê nhà ở Port Klang.

Chia sẻ về cái chết của chồng cũng như bản án tử cho 3 thầy pháp độc ác, vợ của chính trị gia D nói rằng cuối cùng bà cũng có thể chôn chặt quá khứ và cùng những đứa con của mình tiếp tục cuộc sống mà không còn những kỷ niệm đau thương./.

Tác giả bài viết: Minh Phương (dịch)