Vụ Gang thép Thái Nguyên: Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương đã ký văn bản gì?

Admin
Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang đã ký văn bản cho rằng VINAINCON có năng lực xây lắp công trình luyện kim. Nhưng thực tế công ty này không có năng lực, đã gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Theo cáo trạng, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS). Năm 2005, Chính phủ phê duyệt Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO với tổng mức đầu tư hơn 3.843 tỷ đồng, trong đó TISCO thu xếp 375 tỷ tiền vốn, còn lại đi vay các ngân hàng.

Chưa làm đã tạm ứng hơn 35 triệu USD

Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu dự án này và tháng 7/2007 được ký với TISCO hợp đồng EPC số 01.

Trị giá hợp đồng EPC số 01 là hơn 160 triệu USD, là hợp đồng trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức tổng thầu EPC. Giá chi tiết gồm 3 phần: Chi phí thiết kế và dịch vụ kỹ thuật (phần E) là hơn 3,1 triệu USD; chi phí thiết bị (phần P) là hơn 114 triệu USD; chi phí xây lắp (phần C) là gần 43 triệu USD.

Ngày 24/8/2007, MCC đã được TISCO cho tạm ứng hơn 35 triệu USD. Tuy nhiên, sau hơn 11 tháng kể từ khi hợp đồng EPC số 01 có hiệu lực thực hiện, MCC chưa lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu phụ; rút hết người về nước...nhiều lần có văn bản đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, tăng giá hợp đồng thêm hơn 138 triệu USD...

Mặc dù biết rõ MCC vi phạm hợp đồng, đề nghị gia hạn thời gian và tăng giá hợp đồng là không có căn cứ vì hợp đồng EPC số 01 là hợp đồng trọn gói, nhưng các bị can ở TISCO và VNS đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật và căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng để xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét hủy thầu...

 Hiện trường Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. (Ảnh: Quân Đỗ).

Trần Trọng Mừng, Tổng Giám đốc TISCO đã ký văn bản gửi Bộ Công thương và VNS có nội dung, MCC có văn bản đề nghị TISCO xem xét điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC số 01, tổng chi phí tăng thêm là hơn 138 triệu USD. Phạm vi đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng của MCC ngoài phạm vi hướng dẫn Thông tư số 09/2008/TT-BXD và khả năng sau điều chỉnh giá sẽ làm tăng tổng mức đầu tư của dự án. TISCO đề nghị Bộ Công thương xem xét và báo cáo Chính phủ, các bộ liên quan cho giải quyết đặc cách phạm vi được điều chỉnh giá về giá trị của thiết bị (phần P) và các chi phí khác (phần E) đối với dự án.

Sau khi xem xét đề nghị trên của TISCO, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang đã ký văn bản gửi Thủ tướng có nội dung: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao HĐQT VNS xem xét và quyết định việc điều chỉnh dự toán xây lắp, thiết bị và các chi phí khác của gói thầu EPC cho MCC trên cơ sở thực tế khách quan của biến động chi phí,...

Để có cơ sở giải quyết kiến nghị nêu trên của Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến...

Bộ Kế hoạch đầu tư cho rằng, dự toán xây dựng công trình điều chỉnh chưa có mà chỉ căn cứ theo đề xuất tạm tính của nhà thầu là không có căn cứ để xem xét giá trị đề nghị điều chỉnh nêu trong công văn do ông Lê Dương Quang ký ở trên...Vì vậy, chủ đầu tư áp dụng điều khoản phạt hợp đồng theo quy định trong hợp đồng đã ký, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hủy đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại....

TISCO thuê hãng luật Kelvin Chia Partnership tư vấn và cho kết quả: "MCC không thể đơn phương tăng giá hợp đồng do giá trị hợp đồng là trọn gói cố định… Nếu MCC bỏ dở công trình, TISCO có thể chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường cho các tổn thất, thiệt hại".

Sau đó, TISCO và VNS tiếp tục đề nghị cho phép điều chỉnh chi phí phần C (xây lắp) trong hợp đồng EPC. TISCO tham gia ký hợp đồng thầu phụ theo hình thức đơn giá điều chỉnh, TISCO nghiệm thu, thanh quyết toán theo thực tế thi công và trực tiếp thanh toán cho nhà thầu phụ.

Đối với đề nghị trên, Bộ Công thương đã có văn bản thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Dương Quang tại cuộc họp với sự tham gia của TISCO, VNS và MCC, có nội dung: Tiến độ dự án bị chậm (khoảng 8 tháng). Hợp đồng EPC số 01 là văn bản pháp lý cao nhất các bên có nghĩa vụ phải tuân thủ nguyên túc. Về nguyên tắc, đây là hợp đồng EPC trọn gói, không điều chỉnh giá...Chủ đầu tư hỗ trợ MCC tìm kiếm nhà thầu phụ Việt Nam để thực hiện công tác xây lắp...

Bộ Công thương giới thiệu VINAINCON không đủ năng lực...

 Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang.

Sau khi bàn bạc thống nhất, VNS đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, có nội dung: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đồng ý chủ trương: Chọn Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01; cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh chi phí thực hiện phần C theo các quy định về điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng và nhà thầu Việt Nam được thực hiện phần C dưới hình thức hợp đồng theo đơn giá,...

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cho ý kiến về đề nghị trên của VNS.

Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang ký văn bản nêu ý kiến như sau: VINAINCON là doanh nghiệp nhà nước có năng lực và kinh nghiệm trong công tác xây lắp công trình luyện kim đã được Bộ Công thương lựa chọn giới thiệu, chủ đầu tư, MCC chấp nhận;...đề nghị Thủ tướng xem xét chấp nhận đề nghị của VNS.

Cùng cho ý kiến về nội dung trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc lựa chọn VINAINCON làm nhà thầu phụ phần C của hợp đồng EPC số 01 do MCC tự quyết định...Về hình thức thực hiện phần C nên theo hình thức hợp đồng trọn gói để đảm bảo ràng buộc nhà thầu phụ về tiến độ và giá trị hợp đồng sau khi đã được điều chỉnh...

Cuối cùng, Trần Trọng Khâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TISCO cùng Tổng Giám đốc VINAINCON Hoàng Chí Cường và đại diện MCC đã ký hợp đồng thầu phụ số N0.01EPC-C01, có nội dung: "Hình thức hợp đồng thực hiện phần C theo đơn giá, TISCO chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát và thanh toán toàn bộ khoản tiền của phần C...Nếu VINAINCON vi phạm hợp đồng thì VINAINCON phải đảm bảo cho MCC miễn chịu trách nhiệm về bất cứ bồi thường tổn thất nào do vi phạm này gây ra, nếu nguyên nhân chậm tiến độ do VINAINCON gây ra thì VINAINCON phải chịu trách nhiệm cho phần C tuân thủ theo hợp đồng EPC số 01...".

 14 trong tổng số 19 bị can của vụ án (Ảnh: Bộ Công an).

Theo cáo trạng, việc tách phần C ra khỏi hợp đồng EPC và chọn VINAINCON làm nhà thầu phụ dù không đủ năng lực đã vi phạm Luật Đấu thầu; làm tăng tổng mức đầu tư dự án.

Thực tế, VINAINCON đã không đủ năng lực (về nhân công, thiết bị, tài chính...) để tiếp tục thực hiện hoàn thành các công việc của phần C theo thời hạn và hợp đồng đã ký, nên đã trả lại các phần việc chưa khởi công, thi công cho TISCO.

Vì vậy, TISCO đã phải ký tiếp với 13 hợp đồng phụ với 13 nhà thầu phụ khác để tiếp tục thực hiện phần C nói trên, nhưng đến thời điểm hết hạn hợp đồng (31/5/2011) vẫn không hoàn thành được công việc. Mặc dù phần C của hợp đồng EPC số 01 dở dang, chưa hoàn thành, nhưng TISCO đã phải thanh toán cho phần C là hơn 877 tỷ đồng (vượt quá giá trị theo hợp đồng EPC số 01: phần C có giá trị gần 43 triệu USD, tương đương hơn 764 tỷ đồng).

Cáo trạng xác định, tính đến ngày 31/12/2018, TISCO dã chi cho dự án 4.423 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ đầu tư là 1.335 tỷ đồng, còn lại là vốn vay các ngân hàng. TISCO trả lãi cho các ngân hàng từ khi hợp đồng EPC số 01 chậm tiến độ là hơn 830 tỷ đồng.

Tác giả: Nguyễn Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí