Ngày 22/5, Chi cục Thủy sản Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai (NN&PTNT) đã thông tin ban đầu về việc kiểm nghiệm nước sông tại khu vực có hàng nghìn tấn cá của các hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà, huyện Định Quán bị chết đồng loạt.
Hàng nghìn tấn cá của người nuôi cá bè trên sông La Ngà bị chết chỉ trong vài giờ đồng hồ. |
Kết quả kiểm tra cho thấy, các mẫu nước được lấy ngay sau thời điểm cá chết có nhiều chỉ tiêu về môi trường nuôi không đảm bảo. Theo đó, hàm lượng ôxy hòa tan (DO) thấp, giao động trong khoảng 2,6 – 3,2 mg/lít nước, trong khi hàm lượng DO khuyến cáo cho đối tượng nuôi từ 4 mg/lít nước trở lên.
Ngoài ra, hàm lượng Amoni (NH4) cũng vượt mức giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt để nuôi cá khoảng 5,6 -11 lần. Hàm lượng Nito dioxit (NO2) vượt mức giới hạn cho phép từ 10 – 20 lần.
Theo báo cáo quan trắc của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai, chiều 20/5 có một cơn mưa lớn kéo dài tới 7 tiếng đồng hồ, từ 14h đến 21h. Lượng mưa đạt 46mm kết hợp với mưa đầu nguồn nên lượng nước đổ về khu vực nuôi cá bè rất lớn và có thể cuốn theo các chất ô nhiễm làm tăng tính độc của một số khí dẫn đến cá bị sốc, chết hàng loạt.
Từ đó, bước đầu, đơn vị này nhận định cá chết do có sự biến đổi bất lợi về môi trường. Tuy nhiên, để có kết quả đầy đủ, Chi cục đã tiến hành thu mẫu cá gửi Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II kiểm tra bệnh cá và mẫu nước gửi Trung tâm dịch vụ phân tích Môi trường TPHCM phân tích một số chỉ tiêu môi trường.
Trong ngày 22/5, đoàn công tác của Sở NN&PTNT Đồng Nai do ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở dẫn đầu cũng đã đến kiểm tra tại khu vực xảy ra hiện tượng cá chết.
Theo ông Vinh, qua thống kê có 322 bè cá trên sông La Ngà của 80 hộ dân thuộc hai xã La Ngà và Phú Ngọc (huyện Định Quán) bị thiệt hại. Cá chết chủ yếu là điêu hồng, cá chép, cá lăng và cá mè với tổng số 1.538 tấn.
Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, nguyên nhân cụ thể, chính xác khiến cá chết hàng loạt mà phải chờ kết kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Về hướng xử lý tiếp theo, nếu kết luận chính thức nguyên nhân cá chết là do thiên tai chứ không phải do nguồn thải ô nhiễm từ các nhà máy thì sẽ ngư dân sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ để khôi phục sản xuất.
“Theo quy định, nếu nguyên nhân cá chết là do thiên tai thì cứ 100m3 của lồng nuôi Nhà nước sẽ hỗ trợ từ 7 đến 10 triệu đồng. Nếu là do thiên tai, Sở sẽ có đề xuất, kiến nghị đối với Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ người dân. Trước mắt, ước chừng theo báo cáo của địa phương kết hợp với các văn bản quy định pháp luật thì số tiền hỗ trợ khoảng 10 tỷ đồng”, ông Vinh cho hay.
Mặt khác, theo ông Vinh, nếu nguyên nhân được xác định do tác động từ việc xả thải của các nhà máy hoạt động xung quanh thì sẽ đề nghị cảnh sát môi trường vào cuộc xử lý theo đúng thẩm quyền.
Trước đó, vào khoảng 21h ngày 20/5, cá nuôi tại các lồng bè của người dân bắt đầu chết đồng loạt. Theo người dân cho biết cá chết làm 2 đợt: đợt đầu xảy ra lúc 21h tối 20/5 và kéo dài đến gần 24h, đợt sau bắt đầu lúc 2h ngày 21/5 và kéo dài đến sáng.