Vụ hành hạ nữ sinh trộm váy: Nên tạo điều kiện cho người chưa thành niên cơ hội sửa sai

Admin
Luật sư Cường cho rằng chính sách xử lý với người chưa thành niên vi phạm pháp luật là khoan hồng, nhân đạo, tạo điều kiện để đối tượng này có cơ hội sửa chữa sai.

Ngày 3/12, mạng xã hội Facebook xuất hiện clip ghi lại cảnh một nữ sinh đầu đội mũ bảo hiểm, quỳ gối dưới đất, bị chửi bới, cắt tóc. Theo thông tin đăng tải, nữ sinh này trước đó đã ăn trộm chiếc chân váy có trị giá 160.000 đồng.

Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an Tp.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngay lập tức vào cuộc và xác định vụ việc xảy ra tại shop thời trang Mai Hường, có địa chỉ tại số 93 – đường Lê Hoàn – Tp.Thanh Hóa. Nữ sinh bị hành hung, làm nhục, quay clip đăng tải lên mạng xã hội có tên là M. (SN 2004, là học sinh một trường THPT tại Tp.Sầm Sơn).

Ngay trong đêm 3/12, Công an Tp.Thanh Hóa đã có mặt khám xét shop Mai Hường và thu giữ nhiều hàng hóa để phục vụ công tác xác minh, điều tra.

CQĐT đã khởi tố vụ án hình sự Làm nhục người khác và Cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại shop Mai Hường.

 Vợ chồng chủ shop thời trang Mai Hường bị CQĐT khởi tố.

CQĐT khởi tố bị can đối với Cao Thị Mai Hường, sinh năm 1992 trú tại phường Lam Sơn, Tp.Thanh Hóa về tội Làm nhục người khác và Cưỡng đoạt tài sản; khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trịnh Đình Anh, sinh năm 1990 (là chồng của Hường) về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Chia sẻ với Người Đưa Tin về sự việc, Tiến sĩ – Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng LS Chính Pháp (Hà Nội) cho rằng việc CQĐT khởi tố hình sự vợ chồng chủ shop quần áo về tội Làm nhục người khác và tội Cưỡng đoạt tài sản là có căn cứ, bởi hành vi của các đối tượng này vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. 

 Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường.

Theo Luật sư Cường, sự việc bắt đầu từ vi phạm của 2 nữ sinh 17 tuổi ở địa phương này. Thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng cho thấy các cô gái đã lấy trộm chân váy trị giá 160.000 đồng.

Sau khi thấy chủ shop đăng tin, hình ảnh công khai lên mạng xã hội để tìm kiếm người đã trộm cắp hàng hóa ở shop quần áo này thì nữ sinh đã chủ động nhận lỗi và xin tha thứ. Nếu sự việc dừng lại ở đây thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên chủ shop này đã đánh đập, chửi bới, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của cô gái trẻ, đồng thời ép buộc hai cô gái phải đưa cho chủ shop này mỗi người 15 triệu đồng.

Với học sinh cấp ba, đang còn đi học, số tiền 15 triệu đồng là rất lớn, rất khó có thể thu xếp được số tiền đó để đưa cho chủ shop quần áo này. Dẫu vậy, nữ sinh cũng đã đưa cho chủ shop 10 triệu đồng.

Luật sư Cường cho rằng chủ shop quần áo không có quyền nhận số tiền này. Hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của chủ shop để buộc nạn nhân phải đưa tiền là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Bởi vậy cơ quan điều tra khởi tố chủ shop về tội Cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ.

Hành vi của vợ chồng chủ shop quần áo này xuất phát từ lòng tham, tính ích kỷ và thiếu hiểu biết pháp luật. Chỉ vì lý do rất nhỏ, tài sản không đáng giá nhưng đã ép buộc các cháu nhỏ phải trả số tiền rất lớn, không những thế còn đánh đập, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự của nạn nhân.

Về phía hai nữ sinh mới bước sang tuổi 17, vẫn đang là người chưa thành niên. Ở độ tuổi này thì các cháu chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, chưa có nhận thức đầy đủ về đời sống xã hội nên việc mắc sai lầm là chuyện không hiếm thấy.

Người lớn phải nhận thức được như vậy và có cách giáo dục phù hợp để tạo điều kiện cho những đứa trẻ có cơ hội sửa sai và phát triển bản thân. Về nguyên tắc thì mọi sai lầm đều phải trả giá, mọi hành vi vi phạm đều phải chịu chế tài tuy nhiên chính sách, đường lối đối xử đối với từng đối tượng khác nhau, từng độ tuổi khác nhau, trong mỗi hoàn cảnh khác nhau là khác nhau để đảm bảo hiệu quả trong việc giáo dục, phòng ngừa chung cho xã hội.

Vị luật sư này cho rằng chuyện trẻ con hái trộm trái cây, trộm đồ nhà hàng xóm xảy ra tương đối phổ biến trong đời sống xã hội trước kia, và những trận đòn roi thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân có thể do tò mò, do thiếu thốn, do nghịch ngợm, do nhận thức chưa đầy đủ đối với các vấn đề xã hội nên những đứa trẻ thường mắc sai lầm, trong đó có sai lầm là lén lút lấy tài sản của người khác.

Khi trưởng thành, khi có nhận thức đầy đủ về bản thân và xã hội, khi có hiểu biết pháp luật, biết các quy tắc ứng xử trong đời sống xã hội thì những người trưởng thành sẽ không có những hành vi, ứng xử như vậy nữa. Không vì những sai lầm thời nhỏ mà khi lớn lên những người đó trở thành tội phạm nguy hiểm.

 Công an khám xét, thu giữ hàng hóa tại shop Mai Hường.

Nếu giáo dục không đúng cách, phản ứng thái quá đối với những sai lầm của trẻ em thì có khi phản tác dụng và gây ra những tổn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ nhỏ. Tuổi thơ ai cũng có lúc mắc sai lầm, ai cũng có những hành động dại dột. Tuy nhiên, người lớn phát hiện, giáo dục như thế nào để đạt hiệu quả thì đó là vấn đề mang tính khoa học và thể hiện trình độ văn minh của xã hội. 

Luật sư Cường cho rằng, với sai lầm của hai nữ sinh trong vụ việc này, chủ shop quần áo chỉ cần buộc hai nữ sinh trả lại tài sản, viết thư xin lỗi và thậm chí báo cho phụ huynh để giáo dục các cháu thì đó là hành động phù hợp.

Khi chủ shop quần áo có đăng hình ảnh trên mạng xã hội tìm người ăn trộm đồ và đe dọa sẽ báo công an thì các cháu đã nhận ra sai lầm, đã sợ hãi và xin lỗi, xin nhận trách nhiệm. Đó đã là bài học đủ để giáo dục cho hành động sai lầm rồi, không cần thiết phải đánh đập, hành hạ, sỉ nhục, ép buộc phải đưa tiền.

Nếu sự việc dừng lại ở việc chủ shop quần áo đăng tin tìm người ăn trộm trên mạng xã hội và nhận lại tài sản, yêu cầu không vi phạm nữa thì câu chuyện phù hợp và nhân văn. Tất cả những hành vi sau đó của chủ shop quần áo là vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu chế tài của pháp luật.

 Rất đông người dân địa phương kéo tới shop Mai Hường theo dõi cơ quan công an khám xét.

Hành động của chủ shop có thể khiến cô gái trẻ và gia đình sẽ bị cú sốc tâm lý nghiêm trọng, nếu không quan tâm thì nạn nhân có thể bị sang chấn tâm lý. Bởi vậy gia đình cần quan tâm hơn nữa đến các em, động viên, giáo dục kịp thời các em để tránh có những tác động tiêu cực từ sự việc này và đó là bài học kinh nghiệm cho bản thân.

Trường hợp trẻ em có tính trộm cắp vặt mà không được phát hiện, giáo dục kịp thời thì có thể trở thành thói quen xấu, tác động đến ý thức, nhận thức và nhân cách của những đứa trẻ, lâu dần sẽ thành những hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu chế tài của pháp luật.

Khi cha mẹ nuông chiều, dung túng cho cái sai, bênh con một cách mù quáng trong mọi trường hợp thì mới là phản giáo dục. Còn đối với những sai lầm như vậy mà phát hiện kịp thời, dùng lời nói phân tích, tạo cơ hội cho các cháu sửa lỗi lầm thì đó mới là cách giáo dục tích cực và hiệu quả.

Pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của con người, đồng thời cũng bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Hành vi đánh đập, hành hạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm cô gái trẻ của chủ shop là hành vi làm nhục người khác và người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu chế tài của pháp luật về tội Làm nhục người khác theo điều 155 bộ Luật hình sự năm 2015.

Còn đối với hành vi trộm cắp tài sản. Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm A tới điểm Đ, khoản 1, điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.

Trường hợp hành vi trộm cắp tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng mà không thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm A, đến điểm Đ, khoản 1, điều 173 bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi này chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt có thể tới 2 triệu đồng.

Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc xuất xứ, hoá đơn, chứng từ pháp lý của số quần áo bán trong shop này, đặc biệt là chiếc váy mà hai cô gái đã lấy đi để xem xét tính sở hữu của tài sản.

Trường hợp có căn cứ cho thấy chiếc váy mà hai cô gái này lấy là tài sản do phạm pháp mà có, không có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp hoặc là tài sản do buôn lậu thì cũng có thể cân nhắc xem xét không xử phạt hành chính đối với hai cô gái này.

Hai cô gái này mới vừa qua độ tuổi trẻ em, là người chưa thành niên nên chính sách xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật là khoan hồng, nhân đạo, tạo điều kiện cho người chưa thành niên có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết mới có thể áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự, luật sư Cường cho biết.

Tác giả: Phạm Xuân Chinh

Nguồn tin: nguoiduatin.vn