Theo CNN, các chuyên gia tin rằng, Mỹ vẫn duy trì khoảng 50 quả bom hạt nhân chiến thuật B61 tại căn cứ không quân Incirlik. “Đó là bí mật mà ai cũng biết" về những quả bom đang ở Incirlik, Joshua Walker, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Quỹ Marshall Đức có trụ sở tại Washington nói với CNN.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa căn cứ, cắt điện và tạm thời đóng cửa không phận trên toàn Incirlik sau khi binh biến đêm 15/7 thất bại. Incirlik là một căn cứ hợp tác giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập vào năm 1950. Gần đây, căn cứ này đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Không quân Mỹ xuất kích từ căn cứ này trong các phi vụ không kích IS ở Syria.
Các chuyên gia tin rằng, Mỹ đang bí mật duy trì một số lượng lớn bom hạt nhân chiến thuật B61 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh họa: Eurasianhub
Lầu Năm Góc không xác nhận về sự tồn tại của vũ khí hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các quan chức nói rằng, tất cả vũ khí ở căn cứ Incirlik vẫn an toàn. “Chúng tôi đã thực hiện tất cả các bước cần thiết để đảm bảo mọi thứ của chúng tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ đều được kiểm soát an toàn”, Perter Cook, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói vào ngày 18/7.
Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy các quân nhân hoặc chuyên gia từ Bộ Năng lượng Mỹ di chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ để giám sát, hoặc di chuyển vũ khí hạt nhân ra khỏi nước này. Một quan chức Mỹ cho biết, nếu có hoạt động liên quan đến vũ khí hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ có một số ít quan chức cấp cao nắm được tình hình.
Máy bay và vũ khí của Mỹ đồn trú tại căn cứ Incirlik nằm tách biệt so với nơi đóng quân của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Trong vòng vài giờ khi xảy ra binh biến, Mỹ đã nâng mức cảnh báo an ninh đối với 2.700 binh lính đồn trú ở Thổ Nhĩ Kỳ trong đó có Incirlik.
Các nguồn tin cho biết, mã an ninh “Delta” đã được thiết lập - về mặt kỹ thuật báo hiệu cuộc tấn công sắp xảy ra. Các quan chức Mỹ nói rằng, việc nâng cao cảnh báo an ninh để đảm bảo an toàn về tổng thể, không riêng gì vũ khí hạt nhân.
Đánh giá về nguy cơ đối với vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Walker cho rằng, các vũ khí hạt nhân phải được Washington kích hoạt mới có thể sử dụng.
Tom Collina, giám đốc chính sách thuộc Quỹ Ploughshares – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tìm kiếm các sáng kiến nhằm ngăn chặn sự lây lan vũ khí hạt nhân có trụ sở tại San Francisco, Mỹ nói, đây không phải lần đầu tiên xảy ra nguy cơ mất an toàn vũ khí hạt nhân tại các quốc gia NATO.
Mỹ đã rút vũ khí hạt nhân ra khỏi Hy Lạp sau khi xảy ra đảo chính vào năm 1967. Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra 5 lần đảo chính và tình trạng vũ khí hạt nhân tại quốc gia này không thực sự rõ ràng.
Tác giả bài viết: Quốc Việt
Nguồn tin: