Theo nội dung vụ án, Dương và chị A.L (22 tuổi, con gái ông Mỹ ở huyện Chơn Thành, Bình Phước) yêu nhau từ tháng 10/2013. Tháng 4/2015, chị L. nói lời chia tay. Từ đó, Dương thù hận và nảy sinh ý định giết cả nhà người yêu cũ.
Sau khi mua nhiều hung khí như dao, súng bắn bi, súng bắn điện, găng tay, khẩu trang, dây rút,... Dương rủ Trần Đình Thoại cùng tham gia. Rạng sáng 4/7/2015, Dương và Thoại đến trước cổng biệt thự nhà ông Mỹ nhưng không thực hiện được hành vi nên bỏ về.
Sau đó, Thoại thấy kế hoạch của Dương giết quá nhiều người nên không tham gia nữa nhưng vẫn mua thêm dao cho hung thủ. Rạng sáng 7/7/2015, Dương cùng Tiến đột nhập vào biệt thự của gia đình ông Mỹ. Tại đây, Tiến siết cổ các nạn nhân để Dương dùng dao sát hại 6 người trong nhà.
Ngày 18-19/7 TAND cấp cao tại TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án này.
Ngày 17/7/ 2015, TAND tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa xét xử lưu động, tuyên phạt Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến cùng mức án tử hình, Trần Đình Thoại 16 năm tù về tội giết người, cướp tài sản. Sau đó, Tiến và Thoại có đơn xin kháng cáo.
Cùng với đó, người nhà bị hại có đơn kháng cáo theo hướng tăng nặng hình phạt đối với Thoại, làm rõ vai trò của bà Trần Thị Trinh (31 tuổi, ngụ Bình Phước, dì của Nguyễn Hải Dương) trong vụ án.
Ngày 16/7, luật sư Lê Văn Nam (Đoàn Luật sư Bình Phước), người bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến, cho biết: “Theo quan điểm bào chữa của tôi, án tử hình đối với bị cáo Tiến là quá nặng. Tại phiên tòa phúc thẩm sắp tới tôi sẽ nêu ra 5 quan điểm bào chữa của mình.
Thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm chưa thực sự quan tâm, xem xét đến tính chất, mức độ tham gia thực hiện tội phạm giữa người chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội với đồng phạm bị dồn vào thế buộc phải thực hiện việc phạm tội.
Thứ hai, theo quan điểm của tôi, Tiến đã bị Dương cưỡng bức về mặt tinh thần dẫn đến phạm tội. Bản thân bị cáo Dương thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình trong vụ án, trong đó có cả việc đe dọa Tiến bằng hành động để uy hiếp tinh thần.
Thứ ba, tôi cũng không đồng tình với quan điểm, việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng như hành vi phạm tội có tính chất man rợ, côn đồ. Dương là người trực tiếp ra tay sát hại cả 6 nạn nhân, Tiến chỉ giữ vai trò giúp sức, không trực tiếp tước đoạt đi mạng sống của bất kỳ ai trong vụ án này.
Thứ tư, về tình tiết giảm nhẹ, tôi cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận cho bị cáo Tiến được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng chưa thực sự lưu tâm, cân nhắc khi lượng hình, mà vẫn áp dụng hình phạt cao nhất đối với Tiến.
Điều cuối cùng, Tòa án cấp sơ thẩm chưa quan tâm, xem xét đến tính nhân đạo, nhân văn của pháp luật xã hội chủ nghĩa để giảm mức án cho bị cáo Tiến”.
Luật sư Lê Văn Nam bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến
Luật sư Nam cũng cho rằng, trước đó Dương không hề nói rõ mục đích của mình tới nhà ông Mỹ làm gì cho Tiến biết (khác với Thoại, cả hai cùng bàn bạc phương án, mua hung khí). Tối ngày 6/7/2015, Dương rủ Tiến đi nhậu với bạn mình, trong khi Tiến uống khá nhiều bia, Dương lấy lí do đi chở bạn và uống ít. Theo quan điểm của ông Nam, Tiến phần nào đó gây án trong trạng thái không hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn về đầu óc.
"Hơn nữa, theo nội dung vụ án, bản thân ông Mỹ dù đã thoát ra ngoài đường nhưng khi Dương cầm dao hù dọa đã quay trở lại rồi bị sát hại. Với Tiến, việc tới một nơi xa lạ, bị đe dọa về mặt tinh thần, tình trạng không hoàn toàn tỉnh táo nên dẫn đến gây án. Đây là điều HĐXX phiên phúc thẩm nên xem xét kỹ”, luật sư Lê Văn Nam cho biết thêm.
Quan điểm của luật sư Nam cho rằng: “Tôi nghĩ, mức án chung thân đối với Tiến là phù hợp”.
Trái ngược với ông Lê Văn Nam, ông Trương Minh Hiếu (Văn phòng luật sư Huỳnh Minh Luật, đoàn luật sư TPHCM) cho rằng: “Theo tôi, mức án tử hình dành cho bị cáo Tiến mà HĐXX phiên sơ thẩm đã tuyên là thích đáng. Thanh niên này đã trợ giúp đắc lực cho Dương trực tiếp sát hại 6 mạng người trong một gia đình. Đó là hành vi man rợ, côn đồ, được định khung rất rõ trong BLHS. Hơn nữa, đây là một vụ án gây xôn xao dư luận trong cả nước, cần phải có bản án nghiêm khắc đối với các bị cáo, đó cũng là sự răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”.
Tác giả bài viết: Xuân Duy