Vụ thuốc ung thư từ than tre: Tạm dừng tiêu huỷ, làm việc ngay với công an

Admin
Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng làm việc ngay với Công an TP Hải Phòng xem xét tạm dừng tiêu hủy tang vật đang tạm giữ để làm rõ thành phần, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu và thành phẩm đối với số tang vật do bà Đào Thị Chúc quản lý.

Liên quan đến vụ thuốc ung thư Vinaca tại cơ sở của bà Đào Thị Chúc (phường Ngọc Sơn, Kiến An, Hải Phòng) làm từ bột than tre, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa có văn bản yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường làm việc ngay với Công an TP Hải Phòng và cơ quan liên quan xem xét tạm dừng tiêu hủy tang vật đang tạm giữ để làm rõ thành phần, chất lương, nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu và thành phẩm đối với số tang vật do bà Đào Thị Chúc quản lý. Nếu cần thiết có thể thực hiện việc giám định chất lượng.

Cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu làm rõ số lượng sản phẩm đã lưu hành trên thị trường và chất lượng của những sản phẩm này. Đồng thời làm rõ những thông tin ghi trên nhãn hàng hóa như: số 1 thế giới, Tập đoàn Vianaca, hỗ trợ điều trị ung thư, địa chỉ công ty tại Hà Nội, các thông tin về công bố chất lượng…

Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, chuyển ngay cho cơ quan điều tra tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng đã phối hợp với công an triệt phá xưởng sản xuất hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Có 3 đối tượng được xác định liên quan đến vụ việc là bà Đào Thị Chúc (đại diện cơ sở Vinaca), ông Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Hồng An Phong), ông Nguyễn Xuân Thu (Giám đốc công ty Vinaca).

Theo lời khai của bà Chúc với cơ quan công an, cơ sở bắt đầu sản xuất từ đầu năm 2017. Các loại thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm của công ty này đều được sản xuất bằng cách nghiền thủ công với nguyên liệu là than tre, nứa được tán thành bột, có pha thêm các loại hóa chất rồi đóng thành viên nang hoặc hòa với nước đóng vào chai.

Bên cạnh đó, tiếp tay cho vợ chồng chủ công ty Vinaca có Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Hồng An Phong (trú tại xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng). Tuấn nộp hồ sơ xin thành lập công ty nhưng không hoạt động, mà cho Nguyễn Xuân Thu mượn giấy tờ pháp nhân của Công ty mình để mở cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm và thuốc trị ung thư nói trên.

Chiều 12.4, lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cho biết đã ra quyết định rút toàn bộ phiếu công bố sản phẩm mang thương hiệu Vinaca của Công ty Hồng An Phong. Sở Y tế Hải Phòng cũng ra thông báo cấm lưu hành các sản phẩm vi phạm của Công ty Vinaca.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng, qua các thông tin ban đầu cho thấy các đối tượng đã có dấu hiệu của tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" quy định tại điều 194 BLHS năm 2015.

Theo ông Hùng, trong vụ việc này, ông Tuấn khai được ông Thu nhờ nghiền từ bột tre, nứa, gỗ thành bột than hoạt tính, nếu ông Tuấn không bàn bạc hoặc không biết ông Thu sử dụng bột than hoạt tính đó vào mục đích làm giả thuốc ung thư thì chưa có căn cứ để quy trách nhiệm ông Tuấn sản xuất hoặc đồng phạm với ông Thu.

Hành vi của bà Chúc (vợ ông Thu) là người quản lý công nhân đổ bột than vào vỏ thuốc con nhộng và dán nhãn mác thuốc chữa ung thư có dấu hiệu của tội sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Ông Thu là người lo nguyên liệu đầu vào, bao bì máy móc để sản xuất các viên con nhộng chứa than hoạt tình thành thuốc chữa ung thư, có dấu hiệu của tội sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015: "Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm và mức hình phạt có thể lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, tương ứng với hành vi và hậu quả mà tội phạm gây ra”.

Luật sư Hùng cũng cho rằng cần điều tra các đối tượng liên quan xem họ có bàn bạc, phân công, phân nhiệm hay không, từ đó mới có thể kết luận có đồng phạm hay không và vai trò của họ là gì?

Luật sư này cũng cho rằng, hiện nay chế tài về hình sự trong lĩnh vực này xử lý ít, chưa nghiêm khắc và có sự tiếp tay khi xử lý không minh bạch, không khách quan, tạo cho người vi phạm nhờn luật. Hơn nữa, các hành vi này hiện nay ít khởi tố vụ án chỉ phạt hành chính bằng tiền nên tạo cơ hội cho người vi phạm tiếp tục vi phạm.

Với hành vi kinh doanh thuốc giả, Bộ luật Hình sự quy định chỉ xử phạt hành vi đã cấu thành tội phạm, chưa làm rõ vấn đề nguồn gốc của hàng giả để xử lý triệt để. Ngoài ra, quy định về xử phạt hành chính mới chỉ xử phạt đối với số lượng hàng bị bắt, thu giữ nên không đủ sức răn đe.

“Hiện tại, chế tài xử phạt “vấn nạn” hàng giả được thực hiện theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi ích người tiêu dùng. Theo đó, hành vi buôn bán hàng giả có mức xử phạt hành chình từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng, với mức xử phạt hành chính số tiền nêu trên là quá nhẹ so với lợi nhuận mà họ thu được”, ông Hùng nói .

Vì vậy, ông Hùng cho rằng cần có chế tài xử phạt nặng hơn đối với những vụ việc vi phạm hàng giả, hàng nhái. Thậm chí, đối với vụ việc gây ảnh hướng đến sức khỏe người tiêu dùng thì cần được truy tố và xử lý hình sự.