Nói dối, đối phó trong giáo dục không phải là cá biệt
Thưa thầy Khoa, thầy có thể chia sẻ quan điểm của mình trước những vụ việc lùm xùm trong ngành giáo dục diễn ra thời gian qua?
- Vụ việc ở trường Nam Trung Yên nếu xét riêng ở khía cạnh một trường học thì nhỏ, nhưng lại gây ra nỗi bức xúc trong dư luận rất lớn ở khía cạnh đạo đức.
Chuyện một em học sinh gãy chân vốn không phải quá to tát nhưng các bước xử lý của nhà trường khiến bản thân tôi rất phẫn nộ.
Thưa thầy Khoa, thầy có thể chia sẻ quan điểm của mình trước những vụ việc lùm xùm trong ngành giáo dục diễn ra thời gian qua?
- Vụ việc ở trường Nam Trung Yên nếu xét riêng ở khía cạnh một trường học thì nhỏ, nhưng lại gây ra nỗi bức xúc trong dư luận rất lớn ở khía cạnh đạo đức.
Chuyện một em học sinh gãy chân vốn không phải quá to tát nhưng các bước xử lý của nhà trường khiến bản thân tôi rất phẫn nộ.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người từng tích cực đấu tranh với những sai trái trong giáo dục. Ảnh: Thanh Hùng
Tuy nhiên những vụ như ở trường Nam Trung Yên không phải là cá biệt. Những vụ nói dối, đối phó như phát phiếu khảo sát, báo cáo 100% không biết chuyện gì xảy ra không phải là điều gì đáng ngạc nhiên mà đã là một thứ kinh nghiệm "ma xó", được truyền cho nhau.
Giáo dục là làm gương. Vậy theo ông, việc những hiệu trưởng - người đứng đầu các cơ sở giáo dục - nói dối, chậm trễ, mập mờ bưng bít sai phạm... có ảnh hưởng nhiều đến phẩm chất của học sinh trong trường?
- Ngành giáo dục đào tạo có 2 nhiệm vụ là giáo dục và đào tạo. Trên thực tế, lâu nay có vẻ như người ta làm nhiều đào tạo mà quên mất đi nhiệm vụ giáo dục về nhân cách và đạo đức.
Nhưng những bài giảng cũng không ấn tượng, ăn sâu vào học sinh bằng ứng xử, hành vi hàng ngày của các thầy cô giáo. Đặc biệt, ở lứa tuổi tiểu học, yếu tố giáo dục quan trọng hơn yếu tố đào tạo nhiều. Do đó, bản thân giáo viên càng phải làm gương cho các học sinh.
Vụ việc ở trường Nam Trung Yên có thể coi là một thất bại nặng nề về giáo dục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành.
Bởi một trường tiểu học ở Thủ đô, có một hiệu trưởng là gương xấu đến thế thì dạy làm sao được các cháu? Với những trường hợp này, cần phải cách chức ngay, chuyển ngành nghề khác ngay, đừng làm giáo viên nữa.
Hai vụ việc gần đây thực tế đều xuất phát từ những việc nhỏ mà hẳn sẽ không khiến dư luận bức xúc nếu những người đứng đầu có cách giải quyết hợp lý. Phải chăng trong giáo dục việc nhận sai khó đến vậy, thưa ông?
- Với người Việt, chả mấy ai dám đứng lên nhận là tôi làm sai, mà thường tìm cách đổ lỗi, che giấu. Điều này cần phải thay đổi.
Nếu có tinh thần sai nhận lỗi ngay, sai từ chức ngay, thì mới có thể tạo ra cuộc cách mạng cho giáo dục về nhân cách con người.
Tuy nhiên, giờ đây chuyện nói dối, đối phó vẫn rất nặng nề.
Đây có phải là hệ quả của việc chạy theo thành tích, chỉ có thành tích chứ không có sai bại trong các nhà trường?
- Theo tôi, đây không chỉ là bệnh thành tích mà còn là bệnh dối trá. Đây cũng là cái xấu nói chung của cán bộ quản lý giáo dục cơ sở.
Như ở câu chuyện Trường THPT Phan Đình Phùng đáng lý ra nhà trường phải báo cáo, nhận lỗi sớm, nhưng cũng lại chậm trễ, che giấu, xử lý không triệt để.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Vì đã có quá nhiều tấm gương về sự trù dập...
Là một thầy giáo, ông có thể chia sẻ tại sao ngay từ đầu, các giáo viên trong các trường dù biết nhưng không tố cáo sai phạm của hiệu trưởng?
- Tôi muốn đặt câu hỏi rằng ở cơ quan, đứng trước việc làm sai trái của lãnh đạo, các bạn sẽ chọn thái độ như thế nào?
Mọi người trong cơ quan sẽ có một trong 3 thái độ: một là im lặng làm ngơ coi như không biết, hai là hùa theo cái xấu đó, ba là đấu tranh, lên tiếng về nó. Song nhóm người thứ ba hiếm lắm, thậm chí nhiều cơ quan không có một ai.
Thực ra cũng vì có quá nhiều tấm gương về sự trù dập rồi nên người ta sợ hãi, chọn biện pháp im lặng, chấp nhận người đứng đầu bảo sao thì làm vậy.
Trong một trường, hiệu trường là người có quyền lực đến mức nào để các giáo viên phải sợ đến vậy?
- Đây là sự thật không riêng gì ngành giáo dục, mà ở tất cả các cơ quan. Chính cơ chế quản lý của chúng ta đã biến các hiệu trưởng trở thành những ông vua của một xứ. Họ nắm trong tay quyết định về thi đua, nâng lương, thưởng hàng tháng, quyết định giờ giấc lên lớp giáo viên... Giáo viên không nghe lời thì ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo. Thậm chí đến cả những cái khó nói nhất họ cũng có thể can thiệp.
Ví dụ như tôi do từng lên án, phê phán công khai những việc làm sai của hiệu trưởng nên nhiều năm hiệu trưởng không cho nâng lương.
Năm nay tôi 50 tuổi nhưng hệ số lương mới 3,99, có lẽ là thấp nhất cả nước so với các đồng nghiệp cùng tuổi.
Hay là thời khóa biểu của tôi, một ngày trường cố ý phân buổi sáng có tiết 1 và tiết 5, buổi chiều cũng vậy, cực kỳ căng thẳng.
Chưa kể, tôi bị cô lập và không cho phép phát biểu hay tham dự vào các việc khác… Đó là những cái giá phải trả.
Chính vì vậy, nếu tố cáo người đứng đầu, các thầy cô thường phải trả giá rất đắt, và phải có một bản lĩnh rất rắn rỏi mới dám đối đầu.
Trước đây, khi tố cáo những sai phạm của Hiệu trưởng Trường THPT Vân Tảo, bản thân ông từng gặp những khó khăn gì từ khi quyết định đến khi việc tố cáo được ghi nhận?
- Ban đầu rất khó khăn. Thực sự mà nói thì việc phát hiện những sai phạm đó không khó, đưa dẫn chứng không khó, viết đơn cũng không lâu, nhưng gửi lên cấp trên ai xử lý, giải quyết, đó mới là cái khó vô cùng.
Các đơn vị mà tôi nộp đơn tố cáo thì không sẵn lòng để giúp tôi làm rõ những sai phạm của hiệu trưởng.
Có một điều giống nhau ở tất cả các cấp quản lý giáo dục của chúng ta là thấy người giáo viên tố cáo sai phạm thì điều đầu tiên là họ tìm cách bao che, bưng bít cho nhau để giấu nhẹm sự thật. Điều này dẫn đến hậu quả là những người tố cáo thất vọng, cay đắng, thậm chí có những giáo viên không vượt qua được và tìm đến việc tự sát, trầm cảm, thần kinh...
Bản thân tôi xác định khi đã tố cáo sai phạm thì không có đường lùi và mình sẽ phải làm đến cùng.
Nguyên nhân lớn nhất là do cơ chế quản lý
Theo ông, tại sao chúng ta muốn chống tiêu cực, nhưng việc tố cáo những tiêu cực trong ngành giáo dục lại khó được tiếp nhận, xử lý?
- Có nhiều nguyên nhân nhưng lớn nhất là do cơ chế quản lý. Trường nhận hiệu trưởng từ cấp trên phân về chứ không phải do chúng tôi được lựa chọn. Chưa bao giờ có chuyện giáo viên bầu hiệu trưởng, mà cứ hết nhiệm kỳ là luân chuyển từ nơi nọ sang nơi kia. Thậm chí có hiệu trưởng sai phạm ở trường này vẫn sang trường khác làm hiệu trưởng tiếp.
Ngoài ra cũng do cơ chế quản lý giáo dục của chúng ta phân theo ngành ngang. Hiệu trưởng các trường THCS trở xuống do UBND quận/ huyện và phòng GD-ĐT quận/ huyện quản lý, còn các trường THPT thì do Sở GD-ĐT quản lý. Bộ GD-ĐT chỉ quản lý trực tiếp một số trường.
Điều này cũng tạo ra kẽ hở hay sự buông lỏng. Chưa kể, một số lãnh đạo quản lý thường đứng cùng trên bè mảng, tạo thành một nhóm quyền lực, nhóm lợi ích nên sẽ bảo vệ nhau đến cùng dù biết sai phạm. Điều này rất cần phải thay đổi.
Ở vụ việc Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Phó thủ tướng vào cuộc nhắc nhở, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tạm đình chỉ chức danh Hiệu trưởng trong quá trình điều tra, nhưng trong một thời gian những chỉ đạo này không được thực hiện rốt ráo. Đây có phải dẫn chứng cho việc kỷ cương lỏng lẻo?
- Tôi cho rằng do cơ chế mà dẫn đến suy nghĩ để lâu cho đến khi người ta quên sự việc, cho nó loãng đi rồi lại tiếp tục làm hiệu trưởng.
Thói quen kéo dài thời gian xử lý thực chất vẫn nằm trong sự dối trá và cũng vì kỷ cương không nghiêm minh. Ở trên chỉ đạo hẳn hoi rồi mà ở dưới vẫn không thực hiện cho thấy chúng ta đang khiếm khuyết nghiêm trọng về cơ chế quản lý, phân quyền các cấp và điều này cần phải thay đổi.
Vậy theo ông, để những câu chuyện này không còn tiếp diễn cần có giải pháp gì?
- Để không tái diễn những sự việc tương tự, trước hết những người đứng đầu cần có văn hóa từ chức. Hoặc nếu không làm được thì các cấp cao hơn cần có thái độ kiên quyết cắt chức thật nhanh nếu sai phạm.
Chỉ có bè phái, lợi ích nhóm mới có thể tiếp tục giữ lại những con người như vậy. Và chỉ đến khi chúng ta xóa bỏ được những việc này thì những câu chuyện này sẽ không còn đất diễn.
Xin cảm ơn ông.
Tác giả bài viết: Thanh Hùng thực hiện
Nguồn tin: