Xã lấy tiền đền bù Formosa đi du lịch: Cạn lời!

Admin
Xã Cảnh Dương ở Quảng Trạch (Quảng Bình) đã trích tiền hỗ trợ thiệt hại do Formosa cho người dân để đi du lịch.

 Xã Cảnh Dương, nơi xảy ra vụ việc bớt xén tiền hỗ trợ của người dân để may quần áo, đi du lịch

Mấy ngày nay, mạng xã hội xôn xao chuyện UBND xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) không phát hết tiền hỗ trợ đền bù của Formosa cho người dân mà giữ lại để đi du lịch, may quần áo, trang trí và sửa máy móc trong ủy ban.

Một đảng viên trong xã bức xúc cho biết trên báo Infonet: “Lúc đầu xã nói chi trả tiền cho cán bộ thống kê, kiểm đếm là 25 triệu/thôn thôi. Tiền chi trả thêm thì bí thư thôn được xã may tặng một bộ quần áo. UBND xã dùng tiền chi trả liên quan sự cố môi trường của các thôn vào việc trang trí cổng làng hơn 50 triệu, sửa máy photocopy, và dành hơn 100 triệu để đi du lịch”.

“Chúng tôi làm ở thôn, nhưng đâu có thiếu áo quần gì đâu mà xã phải đi may tặng, nên chúng tôi không nhận quần áo. Sau đó chúng tôi nhờ người quen xem thông tin chi trả trên huyện thì được biết về Quyết định 2560, lúc đó mới té ngửa là bấy lâu nay xã chi trả không đủ cho thôn, còn sử dụng sai mục đích số tiền trên. Trong các cuộc họp nhiều người phản ánh, nhưng đến nay xã vẫn không chịu trả”.

Ông Phạm Đình Tiến- Chủ tịch UBND xã thì cho biết: “Nếu làm theo phương án cũ thì trích lại một phần tiền của anh em trong khoảng hơn 100 triệu để đi du lịch. Còn số tiền may quần áo của thôn thì thôn đã không nhận, nên sau này mình trả lại bằng tiền cho họ.

Còn của chị em làm văn phòng ủy ban cũng trong hội đồng đó có hơn 30 triệu về điện thoại, xăng xe thì trả lại cho họ thôi, chị em cũng đã nhận quần áo may rồi. Vừa rồi dịp tết cũng chi 55 triệu để làm cái bảng cổng làng văn hóa, số tiền này cũng trích nguồn từ đó thôi” - ông Tiến cho biết.

Quá buồn cho các cán bộ cấp xã ở đây. Trước sự cố ô nhiễm môi trường biển, biết bao gia đình đã tán gia bai sản, tứ tán vì mất nghề nghiệp, trẻ em không được đi học… Ấy vậy mà khi có những đồng tiền rót về đền bù thiệt hại cho dân, xã ở giữa lại “cấu” đi một phần để làm những việc trời ơi đất hỡi, may quần áo cho cán bộ, đi du lịch, sửa máy móc, xây cổng chào…

Chẳng lẽ họ vô cảm đến vậy trước những mất mát của đồng bào mình? Họ không biết những đồng tiền đền bù đó là nước mắt của dân nghèo nhìn biển bị ô nhiễm, cá tôm chết, không có kế sinh nhai? Họ không biết những đồng tiền ấy sẽ giúp cho những hộ dân nghèo bớt đói, có được bữa rau bữa cháo qua ngày?

Không biết hay cố tình không biết?

Chắc là không biết nên mới chi tiền đó ra may sắm quần áo tặng cán bộ, đi du lịch, xây cái bảng cổng làng văn hóa cũng ngốn mất 55 triệu đồng. Thật là không còn gì để nói.

Cán bộ xã là chính quyền cấp cơ sở, gần sát với dân nhất, ấy vậy mà thay vì thấu hiểu nỗi khổ sở của người dân, họ lại xem những đồng tiền đền bù thiệt hại của người dân nghèo là một “món hời” để xà xẻo.

Đồng tiền đã che hết mắt họ, choán hết lương tâm của họ, khiến họ chỉ nhìn thấy đó là một món hời mà không nhìn thấy đó là mồ hôi nước mắt, là bi kịch của người dân đang khốn khổ vì sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Họ có xứng đáng nhận đồng lương từ tiền thuế của người dân để làm những việc vô cảm, thiếu tự trọng như vậy nữa hay không?