Cảng biển Hải Phòng. |
Phấn đấu tăng trưởng bình quân GRDP giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân tối thiểu 14,5%/năm; tỷ trọng GRDP của Hải Phòng năm 2025 chiếm 6,4% GDP cả nước, 23,7% GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động làm trung tâm phục vụ vừa là chủ thể phục hồi, phát triển kinh tế; đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của người dân, doanh nghiệp trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong thời gian ngắn nhất; bảo đảm tính chủ động trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong mọi điều kiện trước tác động của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, thực hiện chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thành phố Hải Phòng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến. Chương trình của UBND thành phố Hải Phòng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của hệ thống y tế cơ sở; triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch linh hoạt, hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động đến sản xuất kinh doanh; thực hiện các phương thức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng tốt với các diễn biến khác nhau của dịch nhằm duy trì thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh có dịch.
Tăng cường kết nối cung cầu lao động. Hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm. Thực hiện hiệu quả chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ. Đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao từ đầu năm gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022-2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong các năm 2022-2023 của từng đơn vị.
Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững; Đào tạo nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, quản trị xã hội và trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng kế hoạch phòng chống, kiểm soát, thích ứng với dịch bệnh, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện; chuẩn bị phương án trong tình huống khẩn cấp và xấu nhất, không để bị động, bất ngờ, ảnh hưởng năng lực đối phó. Phát huy sức mạnh của người dân, hệ thống chính trị cơ sở trong tổ chức thực hiện phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Thành phố Hải Phòng xác định thu hút FDI là nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, huy động tối đa nguồn lực đầu tư vào thành phố; trong đó chú trọng các nguồn vốn tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), coi đây là nguồn lực chính, quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách bền vững cho thành phố. Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thu hút từ 12,5-15 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Quản lý các nguồn thu, khai thác hiệu quả các dư địa, thúc đẩy tích cực tăng thu ngân sách Nhà nước; tạo lập nguồn thu mới, nhất là nguồn thu lớn có tính bền vững; rà soát, quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên khoáng sản, bất động sản thuộc sở hữu nhà nước, các nguồn thu còn thất thu lớn.
Tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu của thành phố giai đoạn sau dịch Covid-19. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thực hiện đồng bộ quy trình kỹ thuật trong sản xuất; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Tiếp tục thực hiện cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ đã xuống cấp trên địa bàn thành phố. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Cải tạo, nâng cấp, phát triển giao thông đô thị theo hướng nâng cao năng lực, từng bước đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục cải tạo các tuyến đường tỉnh và phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt, kết nối các khu đô thị, du lịch, khu, cụm công nghiệp…
UBND thành phố giao Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện chủ động xây dựng các giải pháp, chính sách cụ thể của ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững; chịu trách nhiệm về kết quả đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình; thường xuyên kiểm tra tiến độ tại thực địa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; không để tình trạng đầu tư công chậm trễ, kéo dài, kém hiệu quả trong khi nguồn lực hạn chế, dư luận bức xúc, quan tâm...
Tác giả: Đăng Hùng
Nguồn tin: Báo Xây dựng