Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm logistics của khu vực và quốc tế

Admin
Hội nghị Liên kết phát triển dịch vụ logistics đã đóng góp những ý kiến để Hải Phòng xây dựng chính sách phát triển logistics hiệu quả, bề vững.

 Các vị diễn giả thảo luận về vấn đề phát triển hạ tầng logistics, tăng cường kết nối đa phương thức, liên kết vùng qua cửa ngõ cảng biển và hàng không Hải Phòng

Logistics phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế

Ngày 23/4, UBND TP Hải Phòng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức Hội nghị “Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng”.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, các diễn giả là lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực logistics cùng hàng trăm doanh nghiệp logistics trong và ngoài TP Hải Phòng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: TP Hải Phòng là 1 trong 5 thành phố lớn nhất cả nước, là giao điểm của 2 hành lang kinh tế: Côn Minh - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng; và hành lang ven biển Bắc Bộ.

Hải Phòng là 1 trong 3 cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trọng điểm trong kế hoạch phát triển 2 vành đai 1 vành đai giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong 5 năm qua, kinh tế TP Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng của GRDP cao bình quân đạt 13,64%, gấp 2,5 lần tốc độ trung của cả nước.

"Hạ tầng logistics đã ngày càng hoàn thiện. Hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại. Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng hoàn thành xây dựng giai đoạn khởi động và đưa vào khai thác tuyến số 1, số 2. Hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản đáp ứng kết nối cảng biển với các khu công nghiệp, khu dịch vụ, hệ thống cảng cạn. Hệ thống cảng biển được nâng cấp và đầu tư xây mới, phù hợp xu hướng phát triển, từng bước trở thành trung tâm dịch vụ logistic của khu vực và quốc tế”, ông Thọ nhấn mạnh.

 

 Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ phát biểu tại Hội nghị

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, các ngành dịch vụ cảng biển đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 142,8 triệu tấn, tăng bình quân 17,55%. Hiện có 6 hãng hàng không với 11 đường bay nội địa và 4 đường bay quốc tế được khai thác tại địa phương.

Các hoạt động dịch vụ logistics đã được quan tâm, xác định vị trí chủ lực, có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, thu hút và huy động được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Dịch vụ logistics tăng trưởng cao, bình quân 23%/năm, góp phần quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của thành phố và cả nước.

Tuy nhiên, dịch vụ logistics phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố cảng và khu vực; chưa hình thành trung tâm thương mại bán buôn của khu vực cửa khẩu cảng biển với những sàn giao dịch hàng hóa xuất nhập khẩu; chưa phát huy được hết năng lực của các doanh nghiệp logistics đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố.

 

 Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI) nhìn nhận, dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng, nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Đặc biệt, Hải Phòng từng được xem là "cái nôi" của logistics Việt Nam nhưng hiện các doanh nghiệp tại Hải Phòng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, các văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của các doanh nghiệp có trụ sở chính Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

"Hải Phòng cần phát triển logistics không phải vì Hải Phòng mà vì cả khu vực, cả nước khi đây là cửa ngõ ra biển, là mặt tiền của đất nước trong sự nghiệp đối ngoại", ông Lộc nói.

Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm logistics của khu vực và quốc tế

Tại Hội nghị, ông Bùi Quang Hải - Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng thông tin, ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-TW về phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 45/NQ-TW xác định rõ: Đến năm 2025, TP Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia. Đến năm 2030, trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực: trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ 16 nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu: Tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30 - 35%/năm và tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 20 - 25%/năm.

 

 Quang cảnh Hội nghị Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng

Phát triển logistics đã được thành phố xác định là một trong 3 trụ cột để xây dựng và phát triển thành phố. Do đó, trong thời gian tới cần phải có sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt hơn, có những chính sách hỗ trợ cụ thể, kịp thời để tạo điều kiện cho dịch vụ logistics thành phố phát triển, bền vững.

Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển, hạ tầng thông tin đồng bộ hiện đại; quản lý và thực hiện tốt Quy hoạch phát triển logictics của thành phố.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp để kêu gọi thu hút đầu tư FDI và doanh nghiệp trong nước; nâng cao năng lực sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics; phát triển mở rộng thị trường logistics qua hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách nhằm phát triển dịch vụ logistics; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phù hợp với yêu cầu của thị trường…

Tác giả: Vũ Đạt

Nguồn tin: Báo Giao thông