UBND TP. Hải Phòng tổ chức hội nghị tổng kết công tác của Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng hồ sơ vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông nhấn mạnh việc xây dựng hồ sơ này là một chiến lược dài hạn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố đối với việc tôn vinh một danh nhân văn hóa tiêu biểu của thành phố. Các hoạt động trong năm 2024 đã được triển khai nghiêm túc và có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng hồ sơ để đề nghị UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Trong năm 2025, ông Lê Khắc Nam đề nghị các sở, ngành tiếp tục tuyên truyền về các hoạt động liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật và sản xuất phim về ông. Các công trình nghiên cứu khoa học về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng sẽ được tiếp tục triển khai, bao gồm hội thảo quốc gia và các đề tài nghiên cứu cấp thành phố, đặc biệt là những nghiên cứu ở nước ngoài như Pháp, Nga và Trung Quốc.
Cũng tại Hội nghị, Ông Trịnh Văn Tú, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, cho biết: Dựa trên các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2195/QĐ-UBND ngày 31/7/2023 của UBND TP. Hải Phòng về việc thành lập Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân dịp kỷ niệm 450 năm ngày mất (1585 - 2035), Ban Vận động đã triển khai kế hoạch số 130/KH-BVĐ về việc xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong năm 2024.
Trong năm 2024, các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan đã chủ động phối hợp, triển khai các nhiệm vụ và đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, đã sưu tầm, kiểm kê và lập thư mục 48 tác phẩm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, bao gồm các tác phẩm nổi bật như Bạch Vân am thi tập, Bạch Vân am thi tập tịnh tự, Bạch Vân am thi văn tập, và nhiều công trình nghiên cứu khác về ông. Các tài liệu này đã được biên soạn thành thư mục Nguyễn Bỉnh Khiêm tác gia và tác phẩm, gồm 487 tài liệu, với tổng số 1355 trang.
48 tác phẩm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được sưu tầm. |
Bên cạnh đó, hội thảo cấp thành phố về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được tổ chức thành công với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học từ các cơ quan nghiên cứu Trung ương và địa phương. Hội thảo đã thảo luận về các chủ đề lớn như bối cảnh Đại Việt thế kỷ XVI, thân thế, sự nghiệp và đóng góp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng như các di sản văn hóa liên quan đến ông. Những kết quả từ hội thảo đã góp phần khẳng định công lao của ông đối với lịch sử dân tộc và làm cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng hồ sơ vinh danh ông.
Ông Trịnh Văn Tú cũng cho biết thêm, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp tục được duy trì. UBND huyện Vĩnh Bảo đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ quy hoạch bảo quản và tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hồ sơ này đã được Hội đồng thẩm định đánh giá, và hiện đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong năm 2024, thành phố đã phê duyệt kinh phí 3,8 tỷ đồng để sửa chữa cấp thiết 3 hạng mục tại di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, bao gồm Tháp bút Kình Thiên, Quán Trung Tân và Sân, tường bao nhà điều hành di tích. Cùng với đó, một số hạng mục bị hư hại do ảnh hưởng của bão Yagi cũng được sửa chữa, với tổng kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn được tổ chức hàng năm tại huyện Vĩnh Bảo, nhằm tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp và công lao của ông, đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Hằng năm, TP. Hải Phòng còn tổ chức lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tại Khu di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm để khuyến khích phong trào học tập, rèn luyện trong cộng đồng học sinh, sinh viên thành phố.
Nhiều hoạt động Lễ hội tại đề thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm |
Tác giả: Hải Anh
Nguồn tin: baophapluat.vn