Giáo dục

Xót xa thân phận giáo viên hợp đồng!

Biết bao nhiêu giáo viên phải lo “lót” mới được dạy hợp đồng, biết bao người đã nhận được những lời hứa của lãnh đạo để bây giờ dở dang sự nghiệp của mình.

LTS: Mấy ngày qua dư luận xôn xao việc 376 giáo viên ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Từng trải qua vài năm là giáo viên hợp đồng, đồng cảm với những hoàn cảnh ấy, hôm nay, thầy giáo Khánh Văn nói lên nỗi cực nhọc của giáo viên hợp đồng để độc giả có cái nhìn cụ thể hơn.

Bài viết thể hiện quan điểm, ý kiến riêng của tác giả. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả.


Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin về sự việc 376 giáo viên ở các cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS và Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Trong số giáo viên bị thanh lí hợp đồng thì khối Mầm non 153 người (hợp đồng huyện ký 44 người, trường ký 109 người); khối Tiểu học 92 người (huyện ký 90 người, trường ký 2 người); khối THCS 128 người (huyện ký 124 người, trường ký 4 người); Trung tâm Giáo dục thường xuyên 3 người.

Việc chấm dứt hợp đồng đối với số lượng giáo viên dôi dư là điều cần thiết trong kế hoạch tinh giản biên chế để bớt đi những gánh nặng ngân sách.

Nhưng, dư luận sẽ đặt ra nhiều câu hỏi cho các cơ quan hữu quan của huyện Vĩnh Lộc nói riêng và ngành giáo dục Việt Nam nói chung.

giao vien
Xót xa thân phận giáo viên hợp đồng!

Là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thanh Hóa, cũng từng làm giáo viên hợp đồng nhiều năm ở quê nhà nên chuyện cắt hợp đồng với gần 400 giáo viên trong một huyện là điều không hề xa lạ gì với bản thân người viết.

Đây là hệ quả tất yếu của việc nhận ồ ạt giáo viên hợp đồng rồi sau đó số phận họ sẽ như thế nào khi mà một bộ phận quan chức của ngành giáo dục và lãnh đạo địa phương thờ ơ, lạnh lùng đẩy họ đến bước đường cùng…

Với tâm lí ra trường là chạy vạy khắp nơi xin việc để không bị gián đoạn về chuyên môn và một số giáo viên không muốn xa quê nên tìm mọi cách để được kí hợp đồng với các Uỷ ban Nhân dân huyện, thậm chí với Hiệu trưởng các trường.

Mặc dù lương rất bèo bọt, phần lớn là được hưởng mức lương tối thiểu, thậm chí là dạy hưởng tiền theo số tiết nhưng nhiều giáo viên vẫn chấp nhận để hi vọng khi vào dạy rồi quen biết để xin vào biên chế.

Vì thế, phần lớn giáo viên dạy hợp đồng vẫn phải nhận “trợ cấp” từ cha mẹ mới đủ sống.

Bởi với đồng lương hiện nay mà nhận từ 1,5 - 1,7 triệu đồng (chưa đóng bảo hiểm) thì số tiền đó chỉ đủ tiền đóng bảo hiểm, xăng xe, ăn sáng đối với người độc thân có nhà gần trường, còn những giáo viên khác huyện thì không đủ cho các khoản phải chi.

Khi đã vào dạy hợp đồng thì một vài năm cũng đồng nghĩa với các giáo viên này lập gia đình, khi có gia đình thì lại thêm rất nhiều sợi dây ràng buộc mà họ phải “bám” theo nghề.

Cách đây 10 năm, khi tôi kí hợp đồng dạy học tại một trường phổ thông ở Thanh Hóa, mặc dù môn tôi dạy trong trường đã đủ giáo viên nhưng Hiệu trưởng vẫn kí hợp đồng thêm 5 giáo viên nữa.

Vậy là giáo viên hợp đồng chúng tôi được phân công mỗi người dạy một lớp. Nghĩa là mỗi tuần chỉ dạy 4 tiết và mỗi tiết được hưởng 10.000 đồng.

Thế nhưng, trước khi được kí hợp đồng với Hiệu trưởng phải mời mọc Hiệu trưởng nhiều lần ăn uống, phải có quà cho gia đình hiệu trưởng và phải đưa phong bì 5 triệu đồng tận tay hiệu trưởng chỉ vì một lời hứa: “Em vào dạy đi rồi mấy tháng sau thầy lo cho hợp đồng dài hạn”.

Khi vào đi dạy lại phải làm cơm mời cả trường một bữa. Khổ sở trăm bề nhưng khi đi dạy mỗi tháng được vài trăm nghìn tiền lương mà hàng tháng đám đình mời mọc liên miên, các ngày lễ lại phải có quà cho Ban giám hiệu.

Dạy được một thời gian, cảm thấy không có tương lai mà mỗi ngày càng phải xin tiền cha mẹ nhiều hơn nên tôi đã từ bỏ thân phận hợp đồng của mình và đi đến một tỉnh phía Nam để xin việc.

Nếu ai đã từng là giáo viên hợp đồng mới thấu hiểu hoàn cảnh trớ trêu và cám cảnh của mình. Nhiều trường giáo viên đã đủ nhưng lãnh đạo nhà trường, hoặc lãnh đạo của Ban giám hiệu gửi gắm những người thân thiết về trường.

Khi đã bước vào giảng dạy trên lớp thì phải đối phó với vô vàn nỗi khó khăn. Giáo viên biên chế soi mói, để ý, được vài đồng lương phải sống “vừa lòng” cả lãnh đạo và đồng nghiệp thì phải làm sao?

Sống khép kín thì bị chê bai, sống được lòng mọi người thì đành phải xin cha mẹ tiền. Mà đâu phải cha mẹ nào cũng đủ khả năng chu cấp cho con cái khi đã đi làm.

Mang tiếng là thầy là cô mà luôn phải “sống trong sợ hãi”…lúc lo tiền nong, lo sống vừa lòng mọi người, lo bị cắt hợp đồng thì còn bao nhiêu tâm trí cho chuyên môn nữa?

Và, bây giờ khi thấy báo chí đồng loạt đưa tin về chuyện một huyện có tới 376 giáo viên bị thanh lí hợp đồng mà thấy xót xa vô cùng.

Biết bao nhiêu người trong số họ phải lo “lót” mới được dạy hợp đồng, biết bao nhiêu người đã nhận được những lời hứa của lãnh đạo để bây giờ dở dang sự nghiệp của mình.

Đi tìm việc nơi khác thì còn gia đình, vợ con, ở lại thì không có việc làm. Làm việc chân tay, buôn bán thì không phải ai cũng làm được.

Số phận họ sẽ đi về đâu. Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc đã kí hợp đồng của họ rồi lại đẩy họ ra đường.

Nhiều người cầm bút kí hợp đồng với giáo viên thì giờ đây họ về hưu, họ chuyển công tác khác nếu họ còn đương chức thì cũng chẳng làm gì được. Bởi khi họ nhận tiền thì phần lớn là tiền trao tay không kí kết giấy tờ gì…

Một huyện mà có chừng ấy giáo viên dôi dư, Thanh Hóa có 27 huyện thị thì chắc chắn số giáo viên sẽ bị thanh lí hợp đồng trong tương lai không phải là số ít.

Chuyện thừa giáo viên thì việc chấm dứt hợp đồng với những giáo viên có thời hạn là điều cần thiết.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ kẻo tình trạng thanh lí hợp đồng lớp người này lại kí hợp đồng với lớp người khác vẫn diễn ra như thường. Ngân sách vẫn không giảm chi mà lại làm lợi cho một số người.

Hi vọng, ngành giáo dục và các cơ quan ban ngành địa phương huyện Vĩnh Lộc cần có những chính sách phù hợp trong tuyển dụng để tránh những giáo viên làm việc giữa chừng rồi không biết đi về đâu!.

Tác giả bài viết: Khánh Văn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP