Cụ thể, về thủ tục, mặc dù chủ hộ đã kinh doanh nghề làm tương truyền thống nhiều năm và là một trong những cơ sở sản xuất tương lớn nhất của Nam Đàn nhưng hai vợ chồng chủ hộ lại chưa có giấy khám sức khỏe định kỳ. Cơ sở chưa có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Quá trình sản xuất, cơ sở chưa xuất được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào với lý do “đây là tương truyền thống của địa phương”. Bên cạnh đó, mặc dù mỗi năm cơ sở sản xuất hơn 200.000 lít nước tương nhưng chủ nhà đang tận dụng các bình cũ. Quá trình lọc bình chưa đảm bảo theo đúng quy trình.
Đáng chú ý, từ năm 2009, mặc dù giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm của gia đình đã hết hạn nhưng trên các nhãn mác của cơ sở vẫn ghi rõ: “Tiêu chuẩn sản phẩm theo số 359/2015/YTNA/CNTC CLVVATTP".
Về giấy chứng nhận này, đoàn thanh tra đã trực tiếp xác minh tại Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh và được trả lời là chưa cấp giấy cho cơ sở ông Phạm Hải Đường. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang có khoảng 100 chai tương đã đóng gói, dán nhãn mác đang chờ đi tiêu thụ.
Về những sai phạm trên, ông Phạm Hải Đường đã thừa nhận. Tuy nhiên, ông lấy lý do là quá trình in nhãn mác đã in sai.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã xử phạt cơ sở sản xuất của ông Phạm Hải Đường 12,5 triệu đồng, đồng thời yêu cầu sau 60 ngày gia đình phải khắc phục những lỗi vi phạm nêu trên.
Theo tổng hợp của UBND huyện Nam Đàn: Qua đợt kiểm tra ATTP đợt Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2017, UBND huyện đã kiểm tra 45 cơ sở sản xuất, kinh doanh giò, chả, đậu phụ, bánh kẹo. Trong đó, vi phạm 40 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 32 cơ sở với số tiền hơn 111 triệu đồng.
Riêng về ngành chế biến, sản xuất tương, hiện công tác quản lý còn khá khó khăn và hầu hết các cơ sở đều vi phạm, trong đó lỗi chính là chưa có giấy chứng nhận vệ sinh ATTP.
Tác giả bài viết: Mỹ Hà/Báo Nghệ An