Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí The Lancet Regional Health: Europe. Trong đó, các chuyên gia Đại học Cambridge và Đại học Imperial College London (Anh) đã tìm hiểu mối quan hệ giữa việc ăn thực phẩm siêu chế biến và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ tăng 10% lượng thực phẩm siêu chế biến trong chế độ ăn thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 sẽ tăng 17%. Tuy nhiên, nguy cơ này có thể được giảm xuống bằng cách giảm lượng thực phẩm siêu chế biến.
Nichola Ludlam-Raine, người không tham gia vào nghiên cứu, là một chuyên gia dinh dưỡng người Anh và là tác giả của cuốn How Not To Eat Ultra-Processed. Cô cho biết cô không ngạc nhiên trước những phát hiện của nghiên cứu mới này.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ tăng 10% lượng thực phẩm siêu chế biến trong chế độ ăn thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 sẽ tăng 17%. (Ảnh minh họa)
"Những phát hiện này phù hợp với nghiên cứu trước đây cho thấy có mối liên hệ giữa thực phẩm siêu chế biến với việc tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, bao gồm tiểu đường loại 2", Ludlam-Raine cho biết. "Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì thực phẩm siêu chế biến thường chứa nhiều đường tinh luyện, chất béo không lành mạnh và ít chất dinh dưỡng thiết yếu cũng như chất xơ".
Do đó, những thực phẩm này có thể dẫn đến tăng cân và kháng insulin khi tiêu thụ quá nhiều, Ludlam-Raine cho biết đây là một yếu tố chính dẫn đến sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2.
"Ngoài ra, thực phẩm siêu chế biến thường có hàm lượng chất xơ thấp, góp phần làm giảm khả năng điều hòa lượng đường trong máu và giảm cảm giác no", cô giải thích. “Điều này có thể gây ra tình trạng ăn quá nhiều và tăng cân, cả hai đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường”.
Một lý do khác khiến thực phẩm siêu chế biến góp phần gây ra nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 là chúng thường dẫn đến tình trạng tăng đột biến và giảm đột ngột lượng đường trong máu. Ludlam-Raine cho biết điều này làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn chức năng insulin.
“Việc thay thế thực phẩm siêu chế biến bằng thực phẩm nguyên chất, ít qua chế biến có thể giúp kiểm soát cân nặng, ổn định lượng đường trong máu, cải thiện độ nhạy insulin và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ hơn, giúp bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường loại 2”, nữ chuyên gia dinh dưỡng khuyên.
4 thực phẩm siêu chế biến có nguy cơ cao nhất
Một điều quan trọng cần lưu ý trong nghiên cứu này là chỉ một số loại thực phẩm siêu chế biến nhất định được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Nguy cơ mắc tiểu đường có thể được giảm xuống bằng cách giảm lượng thực phẩm siêu chế biến.
Các thực phẩm siêu chế biến có nguy cơ cao nhất là:
- Các món ăn vặt (snack) có vị mặn hoặc cay
- Các sản phẩm từ động vật như thịt chế biến sẵn
- Bữa ăn sẵn
- Đồ uống có đường và có đường nhân tạo.
Priya Tew, chuyên gia dinh dưỡng tại Anh, người không tham gia vào nghiên cứu mới, cho biết các loại thực phẩm này “có xu hướng chứa nhiều muối, chất béo bão hòa và đường” và có thể “thay thế các loại thực phẩm bổ dưỡng khác”.
Chuyên gia Ludlam-Raine có quan điểm tương tự.
“Các loại đồ ăn vặt mặn và thịt chế biến thường chứa nhiều chất béo không lành mạnh, natri (muối) và chất bảo quản, tất cả đều có thể góp phần gây ra các vấn đề về chuyển hóa và viêm khi tiêu thụ quá nhiều”, bà cho biết.
“Trong khi đó, các bữa ăn sẵn thường chứa carbohydrate tinh chế, chất béo không lành mạnh, ít thực phẩm từ thực vật và nhiều thành phần chất lượng thấp, làm tăng nguy cơ tăng cân và kháng insulin”.
Đồ uống có đường cũng không khá hơn. Chuyên gia Ludlam-Raine lưu ý rằng chúng có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến và thường chứa nhiều calo nhưng lại nghèo chất dinh dưỡng, làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.