Chương trình phổ thông mới chính thức triển khai từ năm học 2018-2019 và các chuyên gia lo ngại tình trạng độc quyền sách giáo khoa (SGK) lại tiếp tục diễn ra cho dù Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ đấu thầu cạnh tranh, tránh tình trạng độc quyền SGK.
"Một bộ sách" - vẫn giữ thế độc quyền
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ trong chuyến đi khảo sát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tại TP Cần Thơ mới đây đã khẳng định việc đổi mới chương trình phổ thông rất bài bản, ở tất cả 19 môn học. Ông Nhạ cho biết đổi mới giáo dục phổ thông lần này khác những lần trước là đổi mới từ chương trình, sau đó đến SGK. Quan điểm chỉ đạo là một chương trình có một số bộ sách SGK, song không có nghĩa muốn viết thế nào thì viết vì SGK phải đạt chuẩn và trên cơ sở được hội đồng quốc gia duyệt về mặt chuyên môn. "Ai có đủ điều kiện có thể viết nhưng phải có kiểm soát chứ không phải viết một cách tùy tiện" - ông Nhạ cho biết.
Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa tại một nhà sách ở TP HCM Ảnh: Hoàng Triều |
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nói thêm, trong lúc thực hiện theo cuốn chiếu, phải có sự chuẩn bị chủ động của một đơn vị để có sách dùng ngay, còn sau đó thì có thể nhiều bộ sách khác. Nghị quyết của Quốc hội giao cho Bộ GD-ĐT chỉ đạo việc viết sách và bộ đang chuẩn bị việc in SGK theo hướng đấu thầu, tránh tình trạng độc quyền. NXB Giáo dục Việt Nam không phải là đơn vị được chỉ định thầu mà tham gia cũng như các NXB khác theo các tiêu chí công khai, minh bạch. Sau đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân, thậm chí các địa phương có điều kiện viết SGK.
Mặc dù người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định chống độc quyền SGK nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng việc này là rất khó khi Bộ GD-ĐT vẫn đang "ôm" việc viết một bộ sách cũng như quyết định đơn vị nào sẽ được in ấn, phát hành bộ sách đó. Một chuyên gia giáo dục phân tích: Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK thì tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đăng ký và nộp bản thảo SGK đến NXB, sau đó NXB tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu và phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách tổ chức thực nghiệm SGK. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định bản mẫu SGK theo quy định, sau khi bản mẫu SGK được hoàn thiện, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ phê duyệt, cho phép sử dụng.
Như vậy, nếu áp dụng theo thông tư này, Bộ GD-ĐT sẽ phải thông qua một NXB có chức năng xuất bản SGK làm hồ sơ xin đăng ký với Bộ GD-ĐT để thẩm định, thực nghiệm, chỉnh sửa nếu có, và sau đó đề nghị bộ trưởng ký quyết định ban hành. "Rõ ràng là việc đấu thầu in bộ SGK do Bộ GD-ĐT soạn sẵn không phải cách chống độc quyền. Việc Bộ GD-ĐT tìm một NXB làm hồ sơ biên soạn để xin chính Bộ GD-ĐT thẩm định, đề nghị bộ trưởng phê duyệt bộ SGK của mình là rất buồn cười. Đơn vị nắm quyền thẩm định, quyết định việc ban hành SGK, đã đứng tên một bộ SGK thì ai còn có thể cạnh tranh với bộ?" - chuyên gia này phân tích.
Bộ GD-ĐT chỉ nên làm chương trình
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - cho hay trước đây bàn về Nghị định 75 triển khai Luật Giáo dục năm 2005, nhóm soạn thảo đã đưa một điều khoản về xuất bản SGK vào nghị định. Tuy nhiên, sau khi bàn đi tính lại, quy định này không được đưa vào nghị định vì sợ không khả thi. "Có tư nhân nào dám bỏ ra hàng chục tỉ đồng để biên soạn SGK và rủi ro là có thật. Chỉ cần hội đồng thẩm định không đồng ý thì họ mất cả chì lẫn chài. Giá mà chúng ta huy động được các NXB khác tham gia vào việc biên soạn SGK thì rất tốt và sẽ không còn tình trạng độc quyền" - ông Vinh nói.
Ông Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh: Xóa độc quyền SGK là xu thế tất yếu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào kiểm soát được thị trường và có bao nhiêu NXB sẵn sàng tham gia thị trường xuất bản SGK?
Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng nếu Bộ GD-ĐT muốn xóa bỏ độc quyền SGK thì cần phải sửa luật. Chức năng của Bộ GD-ĐT là nghiên cứu, hoạch định chính sách và quản lý nhà nước. Bộ chỉ nên làm chương trình, hỗ trợ và giám sát các đơn vị, cá nhân viết SGK bảo đảm đúng chương trình, rút hẳn khỏi việc biên soạn SGK để tập trung tìm ra các chính sách sao cho có nhiều bộ SGK chất lượng, giá rẻ do cạnh tranh lành mạnh, không dùng ngân sách nhà nước.
Đỡ hao nếu Bộ GD-ĐT không biên soạn Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Trong dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã cam kết tài trợ cho Việt Nam một khoản tín dụng ưu đãi trị giá tương đương 77 triệu USD để thực hiện mục tiêu của dự án. Trong đó, kinh phí dành cho biên soạn một bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện là hơn 16 triệu USD, kinh phí biên soạn sách song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc thiểu số có chữ viết) của một số môn học ở tiểu học, biên soạn và thử nghiệm SGK điện tử... cấp SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là 4,5 triệu USD. Theo tính toán của một chuyên gia giáo dục, nếu Bộ GD-ĐT không biên soạn một bộ SGK của mình thì ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được 20 triệu USD tiền đi vay Ngân hàng Thế giới. |
Tác giả: YẾN ANH
Nguồn tin: Báo Người lao động