Bữa sáng lành mạnh có thể khởi động quá trình trao đổi chất, nạp đầy năng lượng và ảnh hưởng tâm trạng cả ngày. Một số thực phẩm được khuyến khích tiêu thụ vào bữa ăn đầu ngày, theo Boldsky:
- Tinh bột nguyên cám như khoai lang, khoai mì, bánh mì nguyên cám, yến mạch...
- Các thực phẩm giàu vitamin C, chất chống oxy hóa như cà chua, dâu tây, nước cam...
- Thực phẩm giàu protein: trứng, các loại sữa hạt như đậu nành, đậu đỏ; bơ đậu phộng, bơ hạnh nhân...
- Chất béo tốt từ quả bơ, dầu olive, sữa chua...
|
Vào bữa sáng hãy tránh ăn cay bởi có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Ăn cay và mặn khi đói bụng cũng khiến bụng cồn cào và khó chịu, cơ thể khát nước suốt cả ngày.
Cuộc sống hiện đại khiến bạn có ít thời gian rảnh và luôn làm nhiều việc cùng lúc như vừa ăn vừa kiểm tra điện thoại. Trên thực tế, ăn uống không chỉ quan trọng ăn cái gì mà là cách ăn thế nào. Thói quen ăn uống có thể học được và bạn cần cảm nhận mình ăn như thế nào hơn là nuốt gọn một cái gì đó trước giờ làm, ăn cho qua bữa.
Nếu được, hãy ăn với người khác bất cứ lúc nào có thể, nhất là trẻ em vì sẽ hình thành thói quen lành mạnh cho trẻ từ cách bạn ăn uống chậm rãi và ý thức. Ăn khi xem tivi, máy tính sẽ rất có hại cho đầu óc và dạ dày.
Hãy dành thời gian thưởng thức bữa ăn thực sự, ý thức được vị ngon mềm của món ăn, vị và mùi thơm của nước dùng. Đầu ngày, chúng ta thường có xu hướng ăn vội vàng để bắt đầu làm việc, tuy nhiên thói quen này gây hại. Vì thế, hãy dành khoảng thời gian hợp lý để thiết đãi cơ thể bằng bữa ăn đầy đủ dưỡng chất.
Ý thức lắng nghe cơ thể khi ăn cũng giúp bạn biết được dạ dày có thể chứa được lượng thức ăn bao nhiêu. Dừng lại trước khi bạn cảm thấy no vì phải mất vài phút não bộ mới lắng nghe được cơ thể, mà lúc này bạn đã ăn hơi nhiều so với nhu cầu thực sự. Vì thế bạn hãy ăn từ từ.