Có một độ trễ khá lớn giữa việc ăn miếng đầu tiên và cảm giác thỏa mãn cơn đói. Theo TS-BS Nina Nandy - người phát ngôn của Hiệp hội tiêu hóa Mỹ, đó là khoảng 20 phút.
Nhiều người đã từng trải qua cảm giác chỉ no "lưng chừng" hoặc thậm chí chưa no ngay sau khi kết thúc bữa ăn vội vàng, nhưng vài chục phút sau đó lại cảm thấy quá đầy bụng.
Một số nghiên cứu cũng từng chỉ ra thói quen ăn nhanh không chỉ khiến bạn khó tiêu hóa mà còn khiến bạn ăn nhiều và dễ tăng cân.
Bổ sung chất xơ vào bữa ăn và đừng ăn nhanh quá là cách để bạn ăn vừa đủ - Ảnh minh họa từ Internet |
Trao đổi với tờ Live Science, TS Nandy cho biết bộ não của bạn sẽ dựa vào một số cơ chế khác nhau để xác định bạn đã no hay chưa.
Cảm giác đói và no phần lớn được kiểm soát bởi các hormone, trong đó hormone kích thích thèm ăn ghrelin và hormone ức chế sự thèm ăn leptin đóng vai trò then chốt. Cái thứ nhất được sản xuất trong ruột, cái thứ hai do tế bào mỡ tiết ra.
Ngoài ra một số hormone từ ruột, tuyến tụy... cũng góp phần.
Ngoài ra, não còn nhận tin hiệu dựa trên các dây thần kinh cảm nhận sự căng của dạ dày, các tín hiệu từ vị giác và cơ quan cảm thụ mùi.
Để toàn bộ cơ chế rắc rối này tạo thành một thông điệp rõ ràng "Đã no" cho não bộ, cần tới 20 phút, chủ yếu do sự chậm chạp của các hormone.
Do đó, ăn quá nhanh sẽ khiến bạn không cảm thấy no ngay khi đã ăn đủ, khiến bạn ăn quá nhiều. Vì vậy lời khuyên cho người muốn kiểm soát cân nặng, là hãy ăn chậm lại.
Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Critical Reviews in Food Science and Nutrition cũng chỉ ra các thực phẩm khác nhau sẽ giúp tín hiệu no được phát đi với tốc độ khác nhau.
Trong đó thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, bánh mì nâu, yến mạch...) là thứ làm bạn sớm có cảm giác no nhất, trong khi các món ít xơ có thể khiến bạn ăn hoài chưa thấy no.
Vì vậy, bắt đầu bữa ăn bằng một cái gì nhiều chất xơ và tiêu thụ đủ chất xơ trong cả bữa ăn cũng là cách để bạn có thể tự ức chế cảm giác thèm ăn, nhất là khi công việc đòi hỏi bạn ăn nhanh.
Tác giả: Thu Anh
Nguồn tin: Báo Người Lao động