Theo BSCKI. Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, đau dạ dày là bệnh lý đường tiêu hóa, thường gặp do nhiều nguyên nhân với các mức độ khác nhau, số người mắc bệnh ở Việt Nam là rất lớn.
Ở người bị đau dạ dày, khi xét nghiệm hình ảnh sẽ thấy lớp niêm mạc dạ dày có vai trò bảo vệ cơ dạ dày bị tổn thương. Tình trạng tổn thương sẽ quyết định thời gian và mức độ cơn đau.
Ăn uống chung với người bệnh dạ dày có bị lây? (Ảnh minh hoạ)
Khả năng lây lan của đau dạ dày còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Có đến 80% người đau dạ dày và các bệnh lý dạ dày khác liên quan đến vi khuẩn HP. Ngoài ra còn do lạm dụng chất kích thích, bia rượu, ăn uống không khoa học, chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh, thức khuya, ăn không đúng bữa.
Do cấu tạo đặc biệt nên vi khuẩn HP có thể tồn tại, sinh sống và phát triển trong môi trường dạ dày, chống lại acid dịch vị. Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ nhân nhanh số lượng và dễ gây tổn thương lớp niêm mạc dạ dày dẫn đến đau dạ dày.
Nhiễm khuẩn HP rất phổ biến song không phải chủng vi khuẩn nào cũng gây đau dạ dày. Nếu do nguyên nhân này, đau dạ dày có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc với dịch tiết chứa vi khuẩn. Cần điều trị bằng liệu trình kháng sinh phù hợp mới có thể tiêu diệt và kiểm soát vi khuẩn HP gây hại dạ dày.
Đau dạ dày do các nguyên nhân khác không phải vi sinh vật như thói quen sống, ăn uống thiếu lành mạnh không gây lây nhiễm. Trường hợp này người lành tiếp xúc gần, thường xuyên ăn uống, ngủ nghỉ cùng cũng sẽ không bị lây bệnh.
Tuy nhiên nghiên cứu chỉ ra, những người cùng chung sống như nhiều thế hệ trong một gia đình có nguy cơ cùng bị đau dạ dày cao hơn, do thói quen sống và ăn uống không lành mạnh.
Chuyên gia khuyến cáo, để phòng ngừa đau dạ dày lây nhiễm, cần biết rằng vi khuẩn HP có thể lây truyền qua 3 con đường là đường miệng - miệng, đường miệng - dạ dày, dạ dày - dạ dày hoặc đường phân - miệng. Kiểm soát và ngăn ngừa các con đường lây nhiễm vi khuẩn HP này sẽ giúp bạn phòng ngừa đau dạ dày hiệu quả.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý các biện pháp chủ động phòng ngừa nhiễm khuẩn HP cũng như các loại vi sinh vật gây bệnh khác bao gồm: Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đây là cách ngăn ngừa lây nhiễm đau dạ dày qua đường miệng - dạ dày hoặc phân - miệng, tay là nơi dễ mang mầm bệnh nhất nên đặc biệt cần giữ vệ sinh sạch sẽ.
Các chuyên gia khuyên nên lựa chọn loại xà phòng sát khuẩn tay sử dụng hàng ngày, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Việc sử dụng chung vật dụng cá nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP và các loại vi sinh vật gây bệnh khác, nhất là dùng chung với người bị đau dạ dày hoặc có dấu hiệu mắc bệnh.
Những vật dụng gồm cốc chén, bát đũa, muỗng thìa tốt nhất nếu trong gia đình bạn có người bị đau dạ dày do nhiễm khuẩn, thì nên chuẩn bị phần ăn riêng để tránh gây lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh cho những người xung quanh.
Trên đây là những tham vấn của chuyên gia giải đáp cho thắc mắc ăn uống chung với người bệnh dạ dày có bị lây không. Đau dạ dày bị lây không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Căn bệnh này hoàn toàn có khả năng lây lan nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn HP.
Thông thường, khi thăm khám, các bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm để tìm ra chính xác nguyên nhân, trong đó có xét nghiệm vi khuẩn HP. Hy vọng từ những kiến thức trên, bạn sẽ bảo vệ được sức khoẻ của bản thân và những người thân xung quanh.