Anh sẽ điều tàu sân bay “khủng” tuần tra Biển Đông

Admin
Australia và Anh đang chuẩn bị kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc bị chỉ trích vì những động thái quân sự hóa trái phép tại vùng biển này.

 HMS Queen Elizabeth, tàu sân bay mới nhất và đắt nhất của Hải quân Anh, sẽ đi qua Biển Đông (Ảnh: Getty)

Theo Guardian, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne và Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã thảo luận về các chiến dịch hợp tác hải quân chung tại khu vực Thái Bình Dương với Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson trong tuần này. Trước đó, kế hoạch điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Thái Bình Dương từng được cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đề cập tới, song phải tới cuộc họp giữa các quan chức Anh và Australia mới đây, các thông tin chi tiết mới được công bố.

“Chúng tôi đặt nhiều hy vọng và sẽ phối hợp cùng nhau trong việc triển khai tàu HMS Queen Elizabeth tới Thái Bình Dương. Hy vọng tàu sân bay này sẽ hoạt động cùng các tàu của Australia. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng tất cả mọi người trên thế giới đều hiểu Australia và Anh sẽ là những đồng minh vĩ đại nhất”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson nói.

Trước đó, Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch từng phát biểu tại một sự kiện ở Washington rằng, hai tàu sân bay mới của Anh sẽ “có mặt tại Thái Bình Dương” với mục tiêu “bảo vệ tự do hàng hải và giữ cho các tuyến đường biển cũng như đường không luôn mở rộng”. Với lượng giãn nước 65.000 tấn, HMS Queen Elizabeth là tàu sân bay mới nhất, đắt nhất và là tàu chiến lớn nhất từng được đóng tại Anh.

Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Anh Johnson nói: “Một trong những điều đầu tiên chúng tôi sẽ làm với hai tàu sân bay mới mà chúng tôi vừa đóng là điều chúng tới tham gia chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải (trên Biển Đông) nhằm củng cố niềm tin của chúng tôi vào một hệ thống quốc tế dựa trên quy tắc cũng như tự do hàng hải tại các tuyến hàng hải vốn rất quan trọng với thương mại thế giới”.

Trong cuộc họp tại Edinburgh tuần này, Ngoại trưởng Australia Bishop cũng đề cập tới các thách thức đối với “quy tắc và thông lệ” tại khu vực Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Payne nói rằng đã có những mối đe dọa hiện hữu đối với “trật tự quốc tế dựa trên quy tắc” tại Thái Bình Dương.

 Tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ (Ảnh: Military)

Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Williamson cho biết trong năm nay nước này sẽ điều 3 tàu chiến tới Biển Đông nhằm duy trì trật tự dựa trên luật pháp. Các tàu sân bay này đều có khả năng mang máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái, bao gồm cả các máy bay săn ngầm.

Ngoài Anh, Australia, Mỹ cũng đang cân nhắc tăng cường tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép và quân sự hóa trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hồi tháng 6 từng cảnh báo Bắc Kinh có thể đối mặt với hậu quả lớn hơn nếu tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.

Tháng trước, tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ nặng 97.000 tấn và mang theo khoảng 70 máy bay chiến đấu, đã thực hiện cuộc tuần tra định kỳ ở các khu vực mà Washington chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa trái phép trên Biển Đông. Đây là tàu sân bay thứ 3 của Hải quân Mỹ thực hiện tuần tra ở Biển Đông kể từ đầu năm nay.