Mới đây, báo Nikkei của Nhật Bản đã đưa thông tin về việc lần đầu tiên Apple phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm iPad sang Việt Nam. Đây là một dấu hiệu cho thấy vị thế của Việt Nam đang dần được nâng lên trong chuỗi cung ứng, sản xuất của "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ.
Apple chuyển nguồn lực nghiên cứu sản phẩm iPad về Việt Nam (Ảnh TL) |
Cụ thể, Apple đang hợp tác với iPad BYD của Trung Quốc để chuyển nguồn lực phát triển sản phẩm này sang Việt Nam. BYD là nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của Apple, cũng là đơn vị đã chuyển dây chuyền lắp ráp iPad sang Việt Nam vào cuối năm 2022.
Theo Nikkei, quá trình thẩm định kỹ thuật để sản xuất thử nghiệm các mẫu sản phẩm iPad sẽ được tiến hành từ giữa tháng 2 năm 2024 tới đây. Thời gian hoàn thiện sẽ là vào nửa cuối năm 2024.
Nhiều chuyên gia đánh giá đây là bước tiến quan trọng giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử. Bởi việc nghiên cứu phát triển sản phẩm luôn yêu cầu rất cao về nhân lực cùng sự đầu tư bài bản trong công tác nghiên cứu.
Hiện tại các quy trình trên mới đang được thực hiện tại Trung Quốc với sự hợp tác của các kỹ sư từ trụ sở chính của Apple. Trong thời gian qua, Apple đã có những động thái chuyển quy trình nghiên cứu sản phẩm sang một số quốc gia khác như Ấn Độ và mới đây nhất là Việt Nam.
Nhận định về động thái này của Apple, ông Ivan Lam, một chuyên gia phân tích công nghệ tại Counterpoint Research cho rằng "Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng và chiến lược trong quá trình sản xuất, là một bộ phận và trong tương lai có thể trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu mới của thế giới. Việc Apple chuyển quy trình nghiên cứu iPad sang Việt Nam cũng cho thấy định hướng mở rộng sản xuất tại Việt Nam của công ty này."
Bryan Ma, Phó chủ tịch của IDC cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi từ chiến lược đa dạng hóa nguồn lực trong sản xuất máy tính bảng, máy tính cá nhân của Apple. Theo ông Ma, Việt Nam "có đầy đủ hệ sinh thái quan trọng trong lĩnh vực lắp ráp, đặc biệt là với sản phẩm máy tính cá nhân. Trong thời điểm chuyển giao này, những quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam sẽ nổi lên như 2 công xưởng sản xuất lớn tiếp theo của thế giới".
Tác giả: Du Uyên
Nguồn tin: congluan.vn