Giáo dục

Bà ngoại treo thưởng ĐH 50 triệu và suy nghĩ của người mẹ

“Trước ngày thi, đèn Facebook sáng đến 2-3h sáng, điện thoại reo liên tục vì bạn bè, người thân quen gọi đến chúc con thi tốt. Và bà ngoại cháu chạy sang nhà cổ vũ tinh thần bằng lời hứa: “Cứ đỗ đại học, bà thưởng luôn 50 triệu”- chị Nguyễn Thị Bích Liên kể trong câu chuyện với các phụ huynh.

Chị Bích Kiên trò chuyện với các phụ huynh cùng đưa con đi thi ở ĐH Bách Khoa


Chị Bích Liên (Linh Đàm – Hà Nội) đưa con gái đi thi tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Dưới cái nắng buổi chiều, ngồi trong tán ô của đội tình nguyện, chị Liên và nhóm phụ huynh trò chuyện về thi cử, con cái rất rôm rả.

Chị kể: “Con bé nhà tôi rất thích trường sư phạm. Nó bảo nếu năm nay không đỗ, sang năm nó sẽ thi lại. Suốt mấy ngày hôm nay, chẳng lúc nào rời được chuyện thi cử. 2-3h sáng còn thấy cháu comment (bình luận) trên Facebook để trả lời bạn bè. Điện thoại nhà tôi đổ chuông cả ngày.”

Chị cho hay, anh em, họ hàng, bạn bè của chị rất đông. Vì thế khi có con đi thi, ai cũng gọi điện hỏi thăm kèm lời chúc tới tấp. Còn bạn cô bé, từ bạn cấp 2, cấp 3, cô giáo cũ, cô giáo cấp 3, bạn học thêm…cũng vậy, không ngớt gọi điện. Cô, dì, chú, bác ở gần cũng chạy sang động viên cháu. Bà ngoại thì già rồi nhưng vẫn sang cổ vũ tinh thần cô cháu gái và còn hứa: “Nếu con đỗ ĐH, bà thưởng luôn 50 triệu”.

Chị Liên chia sẻ: “Con gái tôi cũng thích món quà của bà ngoại hứa lắm. Nhưng con bé lại càng thêm lo lắng nên hỏi tôi: “Thế nếu con đỗ trường công lập nhưng không phải ngành con thích, con chuyển sang đại học dân lập nhưng là ngành con thích thì bà vẫn thưởng cho con chứ?”. Tôi cười đau cả ruột, quay sang hỏi bà ngoại. Bà nghĩ một hồi mà không hiểu, cuối cùng bà gật đầu lia lịa cho cháu gái yên tâm.”

Cảm động trước sự quan tâm của mọi người nhưng chị bảo: “Nói thật là cháu bị áp lực khi hết người này đến người kia gọi điện, hỏi thăm. Cháu nói với tôi là sợ làm mọi người thất vọng lắm, nhất là bà ngoại.

Tôi cũng nghĩ, lẽ ra bố mẹ, ông bà chúng ta không nên hứa hẹn treo thưởng cái này, cái kia khiến con cảm thấy căng thẳng vì chúng sẽ nghĩ bố mẹ đang rất hi vọng vào mình, nếu mình thi không tốt thì ra sao đây. Thế nên tôi không nói gì với con cả, cứ bình thường chuẩn bị cho con đi thi.”


Trước sự quan tâm của mọi người, con gái chị Liên lại thấy thái độ của mẹ thật lạ. “Nửa đêm hôm qua nó vẫn chưa ngủ- chị Liên kể- nó ôm lấy tôi bảo: “Lo lắm không ngủ được mẹ ạ”. Rồi nó hỏi: “Chỉ có mỗi mẹ là không chúc con thi tốt, sao mẹ lại thế?”.

Tôi bảo con: “Con không việc gì phải lo lắng, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe. Thi năm nay không được thì năm sau, trường này không được con chọn trường khác. Có nhiều nghề hợp với con lắm. Nếu con thích con đi học nghề cũng được. Mẹ không chúc con thi tốt vì mẹ chỉ cần con làm hết sức mình thôi.”

Nhiều phụ huynh xung quanh chị Thủy cũng thể hiện sự đồng tình với chị. Có phụ huynh chia sẻ: “Mình lo nhưng con cái chúng nó ngồi trong phòng thi còn lo hơn mình. Thế nên mình cứ động viên con bình tĩnh, làm bài trong khả năng của mình. Bố mẹ tốt nhất không nên nói gì khiến con cảm thấy bố mẹ đang lo lắng, kỳ vọng vào con quá mà chúng áp lực.”

Chị Liên và các phụ huynh ngồi gần nhau đều có điều kiện kinh tế khá tốt. Chị Liên là người kinh doanh buôn bán tự do và công việc mang lại cho gia đình chị cuộc sống khá đầy đủ.

Tuy nhiên, khi được hỏi, chị có quan trọng việc con mình đỗ đại học và có một công việc yêu cầu trình độ tri thức không, chị cho biết rất mong muốn điều đó. Người mẹ này chia sẻ, mặc dù việc kinh doanh cho thu thập nhập tốt nhưng thương trường đầy cạnh tranh, bon chen, phụ nữ tham gia môi trường ấy rất vất vả.

Chị muốn con có một công việc phù hợp với sức khỏe, năng lực bản thân và ít phải va chạm với xã hội hơn.

Tác giả bài viết: Nhã Uyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP