Không có chuyện “vạch vạch, soi soi” đã chẩn đoán cận thị
BS Minh nhớ lại sự việc xảy ra đã khá lâu, từ hôm 21/7/2017. Khi bác sĩ khám cho bệnh nhân Đ.H.V.A (8 tuổi, Quảng Ninh), bác sĩ kê đơn thuốc, giải thích với mẹ và dặn 5 ngày sau tái khám, người mẹ cùng em bé ra ngoài.
Sau khi bệnh nhân tiếp theo được vào khám thì có hai người đàn ông xông vào phòng khám, đòi bác sĩ khám lại cho bệnh nhân trên máy móc, vì họ nghe phản ánh từ vợ bác sĩ chỉ “vạch mắt, soi soi” rồi kết luận mà không được khám trên các máy móc.
BS Minh cho biết để đưa ra chẩn đoán và dùng thuốc liệt điều tiết, bệnh nhân đã được khám đúng quy trình BV quy định khi khám một bệnh nhi cận thị. Ảnh: H.Hải |
“Y tá đã yêu cầu hai người ra ngoài để đợi tôi khám xong cho bệnh nhân đang khám dở, nhưng họ không đồng ý. Tôi đành mời bệnh nhân đang khám sang ghế bên cạnh để giải quyết sự việc”, BS Minh nói.
“Người đàn ông đó một mực yêu cầu bác sĩ khám lại trên máy móc trong phòng, khám lại tử tế cho bệnh nhi vì cho rằng bác sĩ chỉ “vạch vạch, soi soi” mắt con họ mà chưa dùng máy móc để kiểm tra.
Tôi có giải thích với người bệnh là tôi đã khám cho bệnh nhân đầy đủ. Mỗi máy móc lại dành cho một loại bệnh và việc khám cho con của họ tôi đã khám đủ bằng các máy móc phù hợp với chẩn đoán cận thị. Nếu chưa hài lòng, chưa tin tưởng bác sĩ tôi sẽ giới thiệu hội chẩn ở cấp cao hơn”, BS Minh kể lại.
“Tôi khẳng định, về mặt chuyên môn, tôi khám cho bệnh nhân đầy đủ theo đúng quy trình khám bệnh của bệnh viện, với kiến thức chuyên môn của một bác sĩ chuyên về cận thị trẻ em suốt 30 năm nay”, TS Minh nói.
Theo đó, bệnh nhi trước khi vào bàn bác sĩ khám đã được 2 điều dưỡng thực hiện 3 thao tác trên 3 loại máy khác nhau, gồm: đo khúc xạ máy; thử thị lực không kính bằng máy; chỉnh kính trên máy.
Sau khi xong 3 lần kiểm tra trên máy của hai điều dưỡng mới chuyển bệnh nhân sang bàn bác sĩ khám. Về quy trình, bác sĩ sẽ phải khám xem bệnh nhân có lác không, khám đáy mắt, soi bóng đồng tử. Để thực hiện 3 thao tác này, bác sĩ sử dụng thêm 2 loại máy.
“Dựa trên những kết quả này, tôi đưa ra chẩn đoán nhưng mang tính sơ bộ trẻ bị cận thị và chưa thể cấp đơn kính cho trẻ ngay. Vì với một bệnh nhi 8 tuổi đi khám lần đầu tiên, chưa từng đeo kính mà đã cận 6 đi ốp – 7, chưa đeo kính bao giờ, thị lực chỉnh kính chưa lên tối đa, vì thế, bệnh nhân cần được sử dụng thuốc liệt điều tiết. Tôi đã chỉ định, hướng dẫn nhỏ thuốc liệt điều tiết trong 5 ngày sau đó mới khám lại để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về thị lực của trẻ”, BS Minh nói.
Bác sĩ Minh phân tích thêm về thị lực của bệnh nhân rất kém, với thị lực không kính cả hai mắt là 20/400 (tức là chỉ đạt 0,5/10). Khi khám, cháu chỉ nhìn được một chữ E to bằng gang tay ở khoảng cách 5m. Sau khi chỉnh kính, thị lực tối đa chỉ 3/10.
“Tôi cũng đã chỉ định bệnh nhân hội chẩn ở cấp cao hơn và bệnh nhân đã được hội chẩn với sự tham gia của TS.BS Lê Thúy Quỳnh với chẩn đoán như ban đầu tôi đưa ra ngay sau đó. Vì thế, về chuyên môn, tôi chịu trách nhiệm với chẩn đoán của mình, khám cho bé với đẩy đủ quy trình, máy móc cần thiết”, BS Minh khẳng định.
Chỉ nhận lỗi tư thế ngồi
Chia sẻ về tư thế ngồi khi đối thoại với bệnh nhân, TS Minh cho biết, khi xem lại clip, bản thân chị cũng thấy tư thế ngồi co chân trên ghế không đẹp mắt. “Tôi thấy tư thế ngồi của mình là sai. Tôi phải rút kinh nghiệm vì tư thế ngồi không đúng. Nhưng quả thật tôi bị ảnh hưởng về tâm lý, căng thẳng, mỏi mệt không tự chủ được hành vi chân tay. Còn đầu tôi chưa lẫn vì không nói câu nào xúc phạm bệnh nhân. Ngày thường, khi khám cho bệnh nhân tôi cũng không ngồi như thế”, BS Minh trần tình.
Theo BS Minh, khi thấy người nhà bệnh nhân tỏ thái độ, nhất là gần đây có bạo hành về y tế, cả bác sĩ và điều dưỡng đều căng thẳng. “Bằng này tuổi đầu, khám hơn 30 năm nay, còn 2 năm nữa về hưu tôi còn đi nhắc bọn trẻ lời ăn tiếng nói, sao mình lại ngồi như thế”, BS Minh tiếp lời.
“Tôi nhận lỗi, rút kinh nghiệm về tư thế ngồi không đẹp mắt, nhưng về biểu hiện, thái độ với người bệnh và chuyên môn của mình, tôi không sai. Tôi vẫn giải thích thoải đáng với bệnh nhân, giải thích để họ đi hội chẩn với cấp chuyên môn cao hơn, sau khi hội chẩn bệnh nhân vẫn được chẩn đoán với kết luận như thế…
Sau sự việc, tôi thấy mình bị tổn thương bởi tôi chưa làm gì sai cho bệnh nhân nhưng nhiều người đã vội đánh giá chuyên môn, thái độ của người thầy thuốc, cho rằng tôi khám qua loa cho người bệnh”, BS Minh nói.
Clip bác sĩ BV Mắt Trung ương ngồi co chân lên ghế tranh luận với bệnh nhân.
Sau khi giải thích, BS Minh viết phiếu để bệnh nhân được hội chẩn ở cấp cao hơn. |