Bài 1: Nước thải chảy tràn ra bãi biển

Admin
Những năm trở lại đây, vấn đề đặt ra đối với biển Đà Nẵng nói chung và khu vực biển phía đông là tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cửa xả, ảnh hưởng đến môi trường sống và việc phát triển du lịch bền vững.

 Nước thải tràn ra các cửa xả làm xấu hình ảnh bãi biển. Ảnh: NGỌC PHÚ

Bãi biển bốc mùi hôi

Năm 2006, bãi biển Mỹ Khê được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Cùng với sự đầu tư có chiến lược về phát triển dịch vụ du lịch của thành phố, biển Đà Nẵng ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng một số cống xả nước thải thường xuyên bị tràn sau những cơn mưa lớn ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của các hộ kinh doanh, buôn bán gần đó cũng như du khách tắm biển.

Anh Huỳnh Ngọc Tân (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết, trước đây, anh thường bơi ở biển Mân Thái vào buổi sáng hoặc chiều. Nhưng gần đây, các cống xả thải gây mùi hôi, nhiều khi đi tắm biển ở khu vực gần các cống về thì người bị nổi mẩn ngứa nên anh chuyển sang tắm ở khu vực khác, tránh những nơi có cửa cống xả.

Chị Nguyễn Thị Chín, Tổ trưởng tổ kinh doanh dịch vụ số 6, có 23 năm gắn bó với bãi biển Mỹ Khê có quầy bán nước giải khát là nguồn thu chính của cả gia đình chị. Song, thời gian gần đây, tình trạng nước xả cống thường xuyên bị tràn, bốc mùi hôi thối nồng nặc đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc buôn bán của chị.

Bình thường buôn bán cạnh cống xả, nước chảy thành dòng nhỏ nhưng thời gian gần đây, sau những cơn mưa lớn, nước chảy tràn, có tháng tình trạng này xảy ra 3-4 lần. “Tôi đã buôn bán ở đây hơn 20 năm, trước đây khách đến uống nước đông, nhưng thời gian gần đây, lượng khách giảm 60-70% do cống nước thải bên cạnh liên tục xả thải, một phần vì mặt bằng bị dòng nước thải chảy mạnh gây xói lở khiến diện tích bị thu hẹp.

Nhiều lần du khách phàn nàn rằng, họ đến Đà Nẵng để thưởng thức bãi biển sạch, đẹp, chứ không phải để ngửi mùi hôi. Rất mong thành phố cùng các cấp chính quyền sớm giải quyết dứt điểm tình trạng nước thải ra biển gây mùi hôi, để người dân chúng tôi yên tâm làm ăn, buôn bán”, chị Chín giải bày.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đại Nghĩa, Phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay, dọc tuyến đường biển Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa có nhiều cửa xả quá tải nên chảy tràn ra biển.

Toàn tuyến có 5 cống bị tràn và bốc mùi, nặng nhất là khu vực Thọ Quang, Mân Thái (giáp bãi tắm Mân Thái), cống Mỹ Khê, cống đoạn khách sạn Holiday Beach... Ngoài nước thải của các hộ dân, còn có nước thải của các nhà hàng đổ về cống. Các nhà hàng thường sử dụng hải sản nên nước thải cũng có mùi hôi thối, góp phần gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Trần Đại Nghĩa, thực tế các cống xả này tồn tại gần 10 năm nay, Ban quản lý đã kiến nghị với thành phố giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường để khỏi ảnh hưởng đến người dân và du khách đến vui chơi, tắm biển.

Trong cuộc họp gần đây, Ban quản lý cũng đã kiến nghị thành phố xử lý dứt điểm các ống xả thải đổ ra biển để bảo đảm môi trường biển luôn sạch. Khi thời tiết thay đổi, đề nghị Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng có giải pháp xử lý mùi hôi, san lấp trả lại mặt bằng bị dòng nước thải cuốn đi.

Trong khi đó, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng cho rằng, để phát triển du lịch bền vững, thành phố cần sớm giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường bãi biển. Khách của các công ty lữ hành khi đến những khu vực này đều có những phản hồi không tốt về môi trường biển của Đà Nẵng.

Vì vậy, phải xem đây là điểm nóng về môi trường cần giải quyết. Ông Cao Trí Dũng đề xuất: “Tài nguyên biển là vô giá. Để bảo vệ môi trường biển, trước hết cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển cho người dân và du khách; đồng thời cần có những quy định, quy chuẩn và chế tài nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường”.

 Cống xả thải gần bãi tắm Mỹ An thường xuyên chảy ra biển, gây ô nhiễm bãi biển du lịch. Ảnh: NGỌC PHÚ

Hệ thống thu gom quá tải

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cho biết, hệ thống thu gom nước thải của thành phố nói chung, khu vực phía đông nói riêng được xây dựng đã gần 20 năm. Thời điểm trước năm 2000, tại khu vực phía đông thành phố, dân cư thưa thớt, chưa có nhà cao tầng. Để đầu tư hệ thống thoát nước, thành phố giao các cơ quan liên quan nghiên cứu hệ thống thoát nước. Dựa vào thực tế dân cư, ngành chức năng thiết kế hệ thống thu gom nước thải chung và đã phát huy tác dụng nhiều năm sau đó.

Tuy nhiên, thiết kế hạ tầng cấp nước và nước thải thời gian này không dự báo được tốc độ phát triển của đô thị, dẫn đến tình trạng hệ thống thu gom nước thải quá tải như hiện nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại địa bàn 2 quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, trong 3 năm trở lại đây, tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ, đặt biệt là khách sạn, khu nghỉ mát, nhà hàng mọc lên nhiều. Trong đó, nhiều tuyến đường có hàng loạt khách sạn, như các đường Hà Bổng, Dương Đình Nghệ, Phạm Văn Đồng, Trần Bạch Đằng, Võ Nguyên Giáp, Hồ Xuân Hương, An Thượng, Hoàng Kế Viêm...

Hiện nay, tại khu vực phía đông thành phố, hệ thống khách sạn, nhà cao tầng vẫn tiếp tục xây dựng. Trong khi đó, để xây dựng một công trình cao tầng, chủ đầu tư phải bơm nước để hạ mực nước ngầm làm móng.

Dù đây là nguồn nước không gây ô nhiễm, nhưng một số công trình đã bơm trực tiếp vào hệ thống thu gom nước thải với lưu lượng bơm vài trăm mét khối nước/giờ, gây quá tải cho hệ thống chứa tại các cửa xả, trong khi việc bơm nước không được cơ quan chức năng cấp giấy phép. Hiện tại, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cũng như các ngành chức năng yêu cầu các chủ công trình này bơm nước qua các bãi đất trống để hạn chế nước thải vào các cống thu gom.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố cho biết, các trạm bơm đã vận hành đạt và vượt công suất thiết kế nhưng vẫn không thu gom hết nước thải. Bên cạnh đó, phần lớn các cơ cấu tách dòng (CSO) và các cửa xả ven biển do bố trí quá gần mép nước nên thường bị cát bồi lấp, gây ảnh hưởng việc thu gom nước thải. Một số cửa xả đã được lắp đặt van lật để giảm thiểu tình trạng cát bồi lấp CSO và cũng đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, do một số cửa xả có cao trình đáy cống thấp và không có tường chắn cát phía trước nên cát tiếp tục bồi lấp phía ngoài van lật gây ảnh hưởng đến khả năng thoát nước khi trời mưa. Ngoài ra, tuyến ống chuyển tải nước thải từ cấu trúc tách dòng 1A/1 về trạm bơm SPS1 bằng chất liệu HDPE, có chiều dài 377m, đường kính khá nhỏ (D250). Vì vậy, nhiều thời điểm không thể chuyển tải hết nước thải dẫn đến nước thải bị tràn ra biển tại cửa xả 1A/1.

Để xử lý tình trạng nước thải quá tải, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố đã tiến hành nâng tràn tại các cửa xả cao thêm 1,5m; qua đó tạo sức chứa mỗi cửa xả lên đến gần 1.000m3/cửa vận hành bơm thu gom về trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn xử lý.

Tuy nhiên, theo ông Mai Mã, vẫn không thể đáp ứng được lưu lượng xả thải hiện nay. Vì vậy, những lúc cao điểm hoặc mưa lớn, nước thải vẫn tràn ra biển, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị tại một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh này.

600 là số khách sạn, khu nghỉ mát lớn, nhỏ hiện có ở Đà Nẵng, với hơn 21.000 phòng, trong đó phần lớn ở địa bàn 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Lượng khách lưu trú nhiều, lượng nước thải nhiều, hệ thống thu gom không đáp ứng kịp nên vào các giờ cao điểm, nước thải tràn qua các cửa xả ra biển, gây ô nhiễm môi trường.

 

"Để bảo vệ môi trường biển, trước hết cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển cho người dân và du khách; đồng thời cần có những quy định, quy chuẩn và chế tài nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường”

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng