Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam chăng dây quanh các hiện vật sau hàng loạt hành vi phản cảm

Huyền Lộc
Nhờ việc tiến hành chăng dây quanh các hiện vật, hiện tượng leo trèo lên hiện vật bất chấp các biển chỉ dẫn, thông báo đã được hạn chế rất nhiều.

Từ khi chính thức mở cửa vào đầu tháng 11 cho đến nay, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trở thành một địa điểm yêu thích được rất đông người dân, không chỉ người dân thủ đô Hà Nội mà còn có người dân ở những tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam đến tham quan.

Tuy nhiên những ngày vừa qua tại Bảo tàng đã xuất hiện một số hình ảnh không đẹp mắt được ghi lại tại đây (Ảnh: MXH)

Nhiều người không khỏi bức xúc khi thấy những hiện vật trong bảo tàng bị động chạm một cách vô tư, thậm chí là leo trèo, phá hoại chỉ sau khi mở cửa trong vỏn vẹn chưa đầy nửa tháng (Ảnh: MXH)

Sau khi những hình ảnh leo trèo lên hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam được lan truyền khắp các trang mạng xã hội, đến sáng nay, ngày 12/11, ban quản lý bảo tàng đã tiến hành chăng dây ở một số khu vực để người dân giữ khoảng cách, bảo vệ các hiện vật lịch sử, mô hình được dựng bên trong

Theo quan sát trong vòng 5 tiếng ngày 12/11, tại bảo tàng không còn hiện tượng trèo lên hiện vật quá nhiều, chỉ còn một số ít trẻ nhỏ hiếu động

Vài phụ huynh do nuông chiều con nên còn để con trèo lên hiện vật tại bảo tàng để chụp ảnh hay sờ vào hiện vật

Một số trẻ em vẫn bất chấp trèo lên hiện vật bên trong bảo tàng dù đã có biển cảnh báo đặt bên cạnh

Cùng với đó, một số khách tham quan vẫn còn tỳ tay vào khung kính và vô tình để lại dấu tay trên bề mặt gây mất mỹ quan, đồng thời cũng khiến người khác khó khăn hơn trong việc xem các hiện vật bên trong

Việc tìm hiểu về quy định bảo tàng đối với người dân tới tham quan, chúng tôi được nhân viên lễ tân cho biết: “Vẫn có nhiều người sờ vào hiện vật trưng bày, tình trạng đã được hạn chế, người dân tuyệt đối không được trèo lên hiện vật. Ở những khu vực có rào chắn thì không được phép trèo qua rào.”

Bạn Vì Tiến Thành (Hà Nội) cho biết: “Em nghĩ mọi người nên tôn trọng những chiến công của ông cha ngày xưa, cũng là tôn trọng lịch sử và giữ gìn nét văn hoá, văn minh của Việt Nam. Khi các hiện vật đã được trưng bày trong bảo tàng, dù là cổ xưa hay mô hình phục dựng thì mình cũng không nên chạm tay vào."

Cũng trong sáng ngày 12/11, một clip ngắn dài 8 giây ghi lại hình ảnh một cô gái cùng một người khác trèo lên nóc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để quay phim, chụp ảnh những ngày qua lại khiến cộng đồng mạng bức xúc.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới trên địa bàn hai phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội từ năm 2019, trên diện tích 386.600m2.

Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý. Bảo tàng mới được xây dựng với thiết kế hiện đại, nhiều công năng, kiến trúc Bảo tàng không chỉ đơn thuần là một công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh, mà còn tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Bên cạnh đó, bảo tàng áp dụng nhiều phương pháp trưng bày mới, kết hợp với các công nghệ sa bàn 3D mapping; thiết bị màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật, hình ảnh và hơn 60 video clip giới thiệu về chiến dịch, trận đánh và các nhân vật lịch sử mang đến cho khách tham quan trải nghiệm hoàn toàn mới.

Hiện tại, bảo tàng đã hoàn thiện giai đoạn 1, đồng thời đơn vị đang tiếp thu các ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà khoa học, chỉnh lý và hoàn thiện phần trưng bày trước khi chính thức mở cửa với công chúng vào ngày 1/11/2024.

Cũng từ ngày 01/11, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa đón, phục vụ khách tham quan và miễn phí tham quan đến hết tháng 12/2024