Bảo tồn nét độc đáo nhà sàn của người Mường

Admin
Nhà sàn là một trong những kiến trúc mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Mường ven lòng hồ sông Đà.

 Ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường ở bản Tà Pung, xã Tà Hộc.

Trước những tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội, những ngôi nhà sàn truyền thống đang dần mai một...

Văn hóa của người Mường

Tà Hộc là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn (Sơn La). Nơi đây có mật độ dân cư thưa thớt, địa hình đồi núi hiểm trở với 5 dân tộc anh em gồm: Mường, Thái, Mông, Kinh và Khơ mú.

Trong đời sống sinh hoạt cũng như văn hóa truyền thống của đồng bào Mường, nhà sàn không chỉ là biểu trưng cho tình cảm, lối sống của một tộc người, mà còn được coi là “bảo tàng nghệ thuật sống” đi theo cùng năm tháng, được truyền từ thế hệ trước cho đến ngày nay.

Ngày trước, ven lòng hồ sông Đà có 3 bản mà người Mường sinh sống chủ yếu gồm: Tà Pung, Heo và Luồn. Ngày nay, 3 bản này đã được sáp nhập thành bản Mường. Con người nơi đây thật thà, chất phác, chăm chỉ.

Đặc biệt, điều ấn tượng nhất khi di chuyển bằng thuyền trên sông Đà là những nếp nhà sàn đơn sơ, mái ngói đỏ chót được dựng 2 bên bờ sông trông rất bắt mắt, hữu tình…

Già làng Vì Thị È (103 tuổi), bản Mường cho biết: Từ xưa tới nay, người Mường chúng tôi làm nhà sàn bằng các chất liệu tự nhiên như gỗ, tre, nứa, cỏ gianh,… mái dựng theo hình mai rùa. Cột nhà là cây gỗ đứng được đẽo tròn hoặc vuông có đường kính khoảng 16 - 25 cm, cao chừng 2,5 m so với mặt đất để tránh thú dữ, rắn, rết…

Gầm nhà sàn được thiết kế cao để chống ẩm thấp ở vùng núi. Hai đầu hồi có tấm ván được đục đẽo hình ngôi sao 5 cánh và Mặt trời. Việc người Mường thiết kế các hình tượng này nhằm thể hiện sự tôn kính và mong được “ploi” (tức là ông trời và ngôi sao soi sáng, bảo vệ ngôi nhà của mình cả ngày lẫn đêm, đem lại hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình).

Các gian và bậc cầu thang thường mang số lẻ, thể hiện cho sự phát triển. Bàn thờ được đặt ở cạnh gian đầu hồi phía bên phải, các gian tiếp theo là nơi ngủ của các thế hệ, từ ông bà, cha mẹ, con cháu trong gia đình. Sàn nhà được người Mường làm bằng gỗ hoặc tre, được mổ xẻ và nẹp lại với nhau giống như tấm ván.

Cùng với đó, nhà sàn của người Mường chỉ có 1 cầu thang đầu hồi có từ 5 - 7 bậc, tuỳ theo sàn nhà cao hay thấp nhưng bắt buộc cầu thang phải mang số lẻ. Dưới gầm sàn thường được dùng để củi, làm kho ngô, kho thóc và các dụng cụ lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhà sàn của người Mường khác với của người Thái ở cái bếp. Vị trí đặt bếp lửa sẽ được bà con xây dựng thêm 1 nhà sàn nhỏ, sau đó họ thiết kế thêm 1 cửa làm lối ra vào nối thông nhau giữa không gian nhà sàn với khu vực bếp lửa.

Khi nhắc đến đồng bào Mường, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh của những ngôi nhà sàn đơn sơ, mộc mạc, nằm nép mình bên chân núi hoặc bên bờ suối, bờ sông tạo nên hình ảnh đẹp đẽ của núi rừng Tây Bắc.

Nhà sàn còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa, giáo dục, thể hiện tôn ti trật tự, phép tắc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và với khách đến thăm nhà. Về ý nghĩa tâm linh, nhà sàn Mường còn là nơi thể hiện phép tắc ứng xử giữa con người với thần linh qua các nghi lễ tín ngưỡng, phong tục tập quán như cúng vía, giải hạn, thôi nôi, lễ cầu ngô sắn, thóc… đầy nhà.

 Cầu thang nhà sàn truyền thống của người Mường được thiết kế 7 bậc.

Để nếp nhà sàn không bị mai một

Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, nhiều hộ đã chuyển sang làm nhà sàn bằng bê tông cốt thép, hoặc nhà xây hiện đại.

Những ngôi nhà sàn kiểu dáng truyền thống đang dần vắng bóng, nhất là khu vực trung tâm xã, nơi gần đường giao thông. Mặc dù, nhà sàn Mường vẫn giữ được một số đặc điểm truyền thống, tuy nhiên sự thay đổi rõ rệt nhất là không còn bếp lửa như trước.

Anh Mùi Văn Luyện, bản Mường cho biết: “Tôi bỏ nhà sàn truyền thống, xây nhà kiểu mới và hiện đại hơn. Vì nếu so với căn nhà sàn cũ trước đây, thì thiết kế nhà kiểu mới có không gian sinh hoạt thoáng mát và sinh hoạt rộng rãi hơn.

Không chỉ riêng gia đình tôi, hiện nay ở cả bản người Mường khác sinh sống dọc sông Đà hầu hết cũng chuyển sang xây mới. Cũng có những nhà họ thiết kế theo hướng hiện đại, không còn giữ được nhà sàn nguyên vẹn như xưa”.

 Một ngôi nhà sàn của người Mường được xây dựng theo kiểu dáng hiện đại.

 Ngôi nhà sàn của người Mường được xây dựng bê tông hóa và lên tầng như nhà xây

Ông Hà Văn Miếng (cụm bản Heo) cho biết: “Tôi sống hơn nửa đời người rồi, tận mắt thấy nhiều sự đổi thay. Văn hóa nhà sàn không còn được gìn giữ và trân trọng như xưa kia.

Cá nhân tôi luôn muốn gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc mình để cho các thế hệ trẻ mai sau thấy được. Từ đó, con cháu trong bản có thể phát huy nét đẹp truyền thống tốt đẹp của người Mường ở lại mãi với thời gian”.

“Lý do người dân phá bỏ nhà sàn là do chất liệu gỗ bị mục, hoặc muốn dựng khung nhà sàn mới thì rất tốn kém, mất rất nhiều thời gian. Với lại, bây giờ gỗ để làm nhà sàn cũng hiếm, không còn nhiều như xưa nên rất khó tìm. Cùng với đó, giới trẻ bây giờ lại không mặn mà với nhà sàn, cho nên muốn giữ được nhà sàn truyền thống là một việc rất khó”, ông Miếng thổ lộ.

 Những ngôi nhà xây hiện đại.

Chị Hà Văn Tuy, bản Mường chia sẻ: “Tôi cũng muốn ở nhà sàn như xưa, tuy nhiên giờ làm nhà sàn tốn kém lắm. Không thể đi đâu tìm gỗ lõi chắc để làm cột nhà được. Giờ cũng ít rừng và ít gỗ rồi. Ngôi nhà sàn nào còn sót lại trong bản thì hầu hết là gỗ lim hoặc gỗ xưa. Còn một số khác thì phải tháo dỡ, do bị mục hoặc bị mọt, xu hướng ở nhà xây hết cả bản là không tránh khỏi”.

Sự phát triển đã phần nào làm thay đổi phong tục tập quán, lối sống của người Mường sinh sống ven lòng hồ sông Đà thuộc xã Tà Hộc. Nhà sàn bằng bê tông hóa và nhà xây đang ngày càng có xu hướng mở rộng thế chân cho nhà sàn truyền thống trước đây.

Ông Mùa A Thái, Chủ tịch UBND xã Tà Hộc cho hay: Hiện nay trên địa bàn xã, nhà sàn của người Mường hầu như không còn giữ được kiểu dáng như xưa. Tình trạng làm nhà sàn bằng bê tông cốt thép đang ngày càng có xu hướng mở rộng. Không chỉ những ngôi nhà bê tông hóa, mà ngay cả các ngôi nhà sàn làm bằng gỗ hiện nay cũng cải tiến hơn nhiều.

Điều khác biệt dễ nhận thấy nhất là phần mái, trái nhà và cầu thang. Nếu xu hướng nhà sàn bê tông hóa phát triển mạnh thì những giá trị văn hóa của người Mường ít nhiều vẫn được gìn giữ. Tuy nhiên, kiểu dáng nếp nhà sàn truyền thống xưa kia đang dần mai một.

Có thể thấy, trong tương lai gần, những ngôi nhà sàn truyền thống đúng nguyên mẫu của người Mường xưa kia sẽ không còn. Thay vào đó là những ngôi nhà sàn bằng bê tông và nhà xây.

Bởi thế, những người yêu nét truyền thống cho rằng rất cần phải có biện pháp giữ gìn, bảo tồn kiến trúc nhà sàn người Mường xưa. Từ đó góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bà con dân tộc Mường ven sông Đà nói riêng và dân tộc Mường ở Sơn La nói chung.

Tại xã Tà Hộc hiện nay chỉ còn lại vài căn nhà sàn cũ, hầu hết được sửa theo kiểu dáng mới. Gỗ được thay thế bằng cột bê tông cốt thép, sàn lát gạch hoặc tháo dỡ xây nhà gạch. Mái lợp gianh, ngói cũng được thay thế bằng tôn, bếp lửa hồng trên sàn nhà thông thoáng được nhường chỗ cho những căn phòng kín và các hạng mục công trình sinh hoạt khác.

Tác giả: Hà Hoàng

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn