Xung quanh câu chuyện tìm thấy hai tấm bia đá cổ ở xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Hải Phòng Lê Văn Quý đã chia sẻ với báo Đất Việt về hai tấm bia đá cổ được tìm thấy trên địa bàn.
Hai tấm bia đá được tìm thấy ở khu vực bờ sông Văn Úc. Ảnh: Người Lao động |
Theo đó, ông Quý cho rằng: "Việc tự do đào bới, không có văn bản, giấy phép của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, không có quy hoạch gì cả, không có ý kiến khảo cổ như vậy là hiện vật trôi nổi rồi, không có nguồn gốc cũng chưa có cơ sở nghiên cứu gì".
Theo vị Giám đốc Sở Văn hóa, hai tấm bia đá cổ không phải do người dân trong quá trình trồng cấy, hành nghề mưu sinh vô tình tìm thấy mà đây là hành động có tính toán kỹ lưỡng một một nhóm người tự xưng là đại diện của trường Đại học nào đó tại Hà Nội.
"Vấn đề này còn có nhiều yếu tố. Nhóm này tự xưng là nghiên cứu độc lập tìm đến không có giấy phép gì cả rồi tự đào bới và tuyên bố tìm thấy tấm bia đá. Hành động này là có ý thức để tìm kiếm hiện vật. Và vì không có giấy phép nên việc này là không có tính pháp lý" - ông Quý nhấn mạnh.
Giám đốc Lê Văn Quý cho rằng, trong trường hợp người dân tìm thấy hiện vật thì Sở Văn hóa sẽ giao cho UBND huyện niêm phong chặt chẽ, đảm bảo cẩn mật để nghiên cứu tiếp về sau nếu có chỉ đạo.
"Công việc có rất nhiều, theo đuổi những thứ mơ hồ như vậy rất là vất vả" - ông Quý nhận định.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Vịnh - Trưởng khoa Khoa học cơ bản (Trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội) - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu tới khu vực xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng và tìm được 2 tấm bia đá cổ cũng đã có chia sẻ với báo Đất Việt.
Theo đó, TS. Vịnh khẳng định việc tìm kiếm tại khu vực khu cống cá bãi triều, thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng đã được đăng ký, gặp trực tiếp báo cáo với người đứng đầu thành phố là ông Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố (ngày 25/4/2018).
Sau đó, nhóm nghiên cứu cũng đã xuống huyện Tiên Lãng làm việc, báo cáo với CA huyện, trực tiếp Phó huyện trưởng CA đã tiếp và cử cán bộ CA huyện phụ trách địa bàn xã Kiến Thiết đưa nhóm nghiên cứu tới Chủ tịch, Bí thư và Trưởng CA xã Kiến Thiết để có sự hợp tác và tạo điều kiện cho công việc khảo sát nghiên cứu.
Theo tường thuật của TS. Nguyễn Văn Vịnh, trước khi tiến hành công việc tìm kiếm, nhóm nghiên cứu cũng đã liên lạc với các lãnh đạo xã nhưng do ngày tiến hành tìm kiếm là chủ nhật nên các vị đều đang đi công tác hoặc không phải ngày làm việc.
Giải thích về việc phải tiến hành việc tìm kiếm vào ngày Chủ nhật, TS. Nguyễn Văn Vịnh cho biết, nhóm của ông dựa vào lịch thủy triều, khi mức nước cạn nhất để tìm kiếm những chỉ dấu có thể. Chọn ngày chủ nhật chỉ là sự tình cờ.
Nếu đợi sang ngày khác, khi mực nước sông dâng có thể lên tới 2,5 mét thì việc tìm kiếm sẽ rất khó khăn.
Quả đúng như TS. Nguyễn Văn Vịnh dự đoán, chỉ trong thời gian ngắn khi bắt đầu tìm kiếm dọc bờ sông thì nhóm nghiên cứu chạm tới tấm bia đá cổ.
TS. Nguyễn Văn Vịnh nhấn mạnh rằng, hiện nay đang có một sự nhầm lẫn về việc tìm thấy hiện vật và hiện vật đó liên quan đến cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Theo đó, nhóm nghiên cứu mới tìm thấy được 2 tấm bia đá cổ và đã bàn giao cho địa phương theo đúng quy trình, thủ tục. Dựa vào tấm bia đá cổ này, theo đúng trách nhiệm quản lý Nhà nước, Sở Văn hóa phải tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến khoa học công khai để xem tấm bia đá cổ đó có giá trị không. Nếu đó là bảo vật quốc gia thì tiếp tục các quy trình tiếp theo. Còn nếu không, thì trả lại hiện vật đó cho người đã tìm thấy.
TS. Nguyễn Văn Vịnh (thứ hai từ phải sang) trong thủ tục bàn giao 2 tấm bia đá cho cơ quan địa phương. |
Tuy nhiên, Sở Văn hóa- Thể thao Hải Phòng không tổ chức khảo sát, lấy ý kiến công khai theo đúng Luật Di sản văn hóa mà vội cho rằng đó là hiện vật trôi nổi, không liên quan đến Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và kiến nghị UBND tỉnh ngừng nghiên cứu.
TS. Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, đó là cách xử lý "buồn cười" của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa.
"Sau khi tổ chức khảo sát, có kết luận thì cơ quan Nhà nước sẽ có các bước tiếp theo như tổ chức khai quật, thẩm định các kết quả khai quật, dựa trên các lớp đất... là một quá trình dài dặc. Chúng tôi mới chỉ trình báo có hiện vật và chưa kết luận gì cả.
Nhưng Sở Văn hóa đã vội vàng và phức tạp hóa vấn đề. Chỉ dựa vào các bức ảnh chụp 2 tấm bia (vì hiện vật đã bị niêm phong) để khẳng định chắc chắn hiện vật không liên quan đến Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm" - TS. Vịnh nói.
Nội dung chữ Nho trên bia đá có liên quan đến mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm |
Trong khi đó, Sở Văn hóa nhắc đến khái niệm "quy hoạch khảo cổ" - khu vực nhóm nghiên cứu tìm thấy bia đá không nằm trong vùng quy hoạch này.
"Tôi chưa thấy có khái niệm nào là "quy hoạch khảo cổ" cả. Chuyện này rất là buồn cười. Nếu một ông nông dân tìm thấy bia đá khi đang cày bừa trên mảnh ruộng của mình thì họ đến trình báo chính quyền, khi đó, chính quyền không nhận miếng đá vì mảnh ruộng của người nông dân không nằm trong quy hoạch khảo cổ?" - TS. Vịnh nêu câu hỏi.
Tác giả: Cúc Phương
Nguồn tin: Báo Đất Việt