Bộ Công an đề xuất sớm sửa đổi để khắc phục nhiều bất cập

Admin
Qua công tác kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, các cơ quan chức năng đã phát hiện 4.376 trường hợp sử dụng hộ chiếu, thị thực giả, thuộc diện chưa cho nhập cảnh Việt Nam, không đủ điều kiện nhập cảnh.

Đây là thông tin đáng chú ý trong Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đang được Bộ Công an lấy ý kiến góp ý.

Theo đó, từ 1-1-2015 đến 31-12-2018, các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã xét duyệt nhân sự nhập cảnh cho 21.679.382 lượt người nước ngoài (NNN). Ngoài ra, đã có 18.110 lượt NNN nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực SQ do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp. Đáng quan tâm, số lượng NNN nhập cảnh Việt Nam ngày càng tăng. Nếu năm 2015 là 7.829.110 lượt thì năm 2018 đã là 16.155.352 lượt (tăng 17,5% so với năm 2017).

Thông qua công tác xét duyệt nhân sự, các cơ quan chức năng đã phát hiện và từ chối xét duyệt nhập cảnh đối với 209 đối tượng thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh, trong đó, có nhiều đối tượng là thành viên của các tổ chức phản động lưu vong, tổ chức khủng bố ở nước ngoài.

Nhìn chung, NNN cư trú tại Việt Nam chấp hành tốt quy định pháp luật của Việt Nam, hoạt động đúng mục đích nhập cảnh. Tuy nhiên, với số lượng NNN nhập cảnh Việt Nam ngày càng tăng, đã có nhiều NNN hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam.

 Bộ Công an đề xuất sửa đổi Luật nhằm sớm khắc phục các bất cập trong thực tiễn thi hành.
(Ảnh: Bộ công an)

Từ đầu năm 2015 đến hết năm 2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 25.763 trường hợp NNN vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, trong đó một số địa phương có nhiều NNN vi phạm như: TP HCM (5.510 trường hợp), Hà Nội (1.564 trường hợp), Đà Nẵng (820 trường hợp), Hải Phòng (631 trường hợp), Bắc Giang (300 trường hợp), Bắc Ninh (429 trường hợp), Bình Thuận (305 trường hợp)...

NNN nhập cảnh Việt Nam đa dạng về quốc tịch, mục đích, nghề nghiệp, các quốc gia, vùng lãnh thổ có công dân nhập cảnh Việt Nam nhiều như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc (Đài Loan), Nga. Trong đó, công dân Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất. NNN nhập cảnh nhiều nhất với mục đích du lịch (13.422.775 lượt), lao động (1.113.042 lượt), thăm thân (288.318 lượt).

Qua công tác kiểm soát NNN nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, các cơ quan chức năng đã phát hiện 4.376 trường hợp sử dụng hộ chiếu, thị thực giả, thuộc diện chưa cho nhập cảnh Việt Nam, không đủ điều kiện nhập cảnh.

Đồng thời, đã phát hiện và xử lý một số vụ vận chuyển hàng cấm qua đường hàng không có liên quan đến an ninh quốc gia, như: vận chuyển vũ khí hoặc chi tiết vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ; vận chuyển quân phục của quân đội nước ngoài... Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã xử lý 412 vụ/847 đối tượng NNN vi phạm về xuất nhập cảnh, an ninh trật tự.

Từ thực tiễn tổng kết thi hành Luật, Bộ Công an đề xuất, kiến nghị sớm ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam.

Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: luật hóa quy định về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài; quy định điều kiện người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực; bỏ quy định về miễn thị thực cho NNN vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và quy định miễn thị thực cho NNN nhập cảnh khu kinh tế ven biển Phú Quốc; quy định một số loại thị thực được chuyển đổi mục đích; quy định thị thực cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và ký hiệu thị thực cấp cho luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam…

Đồng thời, giao Bộ Tư pháp, Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung các văn bản về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam theo hướng bổ sung quy định về hình thức “Buộc xuất cảnh” đối với NNN hết thời hạn tạm trú nhưng không chịu xuất cảnh để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, bổ sung quy định về chế tài đối với hành vi khách sạn không nối mạng internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành xử lý các hành vi vi phạm này trên thực tế…

Theo Bộ Công an, Luật quy định NNN vào khu kinh tế cửa khẩu được miễn thị thực với thời hạn tạm trú 15 ngày, vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày, song quy định này chưa được triển khai trên thực tế do chưa có đơn vị nào được xác định là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Vào thời điểm xây dựng Luật, có tình trạng nhiều công nhân NNN nhập cảnh bằng thị thực du lịch làm việc tại các dự án thầu xây dựng, như công nhân Trung Quốc vào làm việc tại các dự án do Trung Quốc trúng thầu..., gây khó khăn cho công tác quản lý cư trú và tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh, trật tự. Do đó, Luật quy định thị thực không được chuyển đổi mục đích nhằm tránh tình trạng NNN vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, nhất là số NNN xin chuyển đổi mục đích ở lại Việt Nam để làm việc tại các công trình, dự án.

Thực tế áp dụng cho thấy, quy định nêu trên chưa thực sự tạo điều kiện cho NNN nhập cảnh bằng các thị thực DN, NN3…(không phải thị thực đầu tư, lao động), sau đó khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép lao động… thì họ phải xuất cảnh để cơ quan, tổ chức bảo lãnh làm thủ tục xin cấp mới thị thực theo đúng mục đích nhập cảnh, dẫn đến vừa gây tốn kém cho DN vừa mang tính hình thức đối với một số trường hợp.