Bỏ nhiều giấy phép gây phiền hà doanh nghiệp

Admin
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ hàng loạt giấy phép quy hoạch và cân nhắc quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi

Sáng 1-6, Quốc hội (QH) thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 13 luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Tránh kẽ hở chính sách tạo lợi ích nhóm

Đại biểu (ĐB) Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị bỏ hàng loạt nội dung quy hoạch như quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện và quy hoạch chung cho từng khu chức năng để tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực. Trong Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, cần quy định rõ trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ; đồng thời loại bỏ giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch.

Theo ĐB Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang), hiện chưa có quy định chuyển tiếp trong trường hợp bố trí và thực hiện nguồn kinh phí cho quy hoạch từ vốn chi sự nghiệp sang nguồn vốn đầu tư. Việc bố trí nguồn vốn đầu tư cho quy hoạch cũng ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt.

 Đại biểu TP HCM Trương Trọng Nghĩa cho rằng nhiều khi quy hoạch đúng nhưng sau đó điều chỉnh tùy tiện theo tác động của nhóm lợi ích Ảnh: NGUYỄN NAM

"Đề nghị đánh giá tác động của sự thay đổi nguồn vốn cho công tác quy hoạch, đồng thời Chính phủ sớm có chính sách hướng dẫn cụ thể trường hợp chuyển tiếp này để có sự thực hiện thống nhất cũng là cơ sở để bố trí kinh phí, thanh toán, quyết toán kinh phí của vốn đầu tư" - ĐB Tuyến kiến nghị.

Cũng góp ý vào khâu bố trí vốn, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị quy định rõ nguồn vốn xây dựng quy hoạch thuộc vốn đầu tư công, không nên quy định giao Chính phủ bố trí vốn vì sẽ tạo khoảng trống pháp luật.

ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) chỉ rõ các nội dung liên quan Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị là những cản trở rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nguyên nhân chính là việc chồng chéo, trùng lặp giữa các quy định về quy hoạch chuyên ngành. Do đó, đề nghị Chính phủ và ban soạn thảo kịp thời khắc phục những vướng mắc, thiếu sót như trong thời gian vừa qua.

Về tình trạng "vỡ quy hoạch" xảy ra ở rất nhiều nơi, ĐB TP HCM Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ nhiều khi quy hoạch thì đúng nhưng sau đó phá hỏng, làm cho méo mó, điều chỉnh một cách tùy tiện theo lợi ích nhất thời hoặc theo những tác động nhất định của nhóm lợi ích. ĐB này cho rằng quy hoạch là để điều chỉnh hợp lý, tối ưu hóa lợi ích chứ không phải "điều chỉnh theo những áp lực nhất định hoặc giải pháp tình thế".

Quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều cùng ngày, QH nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày Tờ trình dự án Luật Chăn nuôi. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chăn nuôi.

Về quản lý thức ăn chăn nuôi (điều 29), báo cáo thẩm tra cho biết đa số ý kiến thẩm tra nhất trí với việc cần phải quản lý thức ăn chăn nuôi nhưng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc việc quy định về kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu để tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính. Ngoài ra, phải tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Về quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh (điều 34), tồn dư kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm chăn nuôi vượt ngưỡng cho phép sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vì vậy không khuyến khích sử dụng kháng sinh, hóa chất trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, ủy ban này nhất trí với các nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh quy định tại dự thảo luật. Tuy nhiên, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, giải trình cơ sở khoa học của quy định chỉ sử dụng tối đa 2 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi; chỉnh sửa các quy định về nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh cho rõ ràng, khả thi hơn.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại quy định về điều kiện cơ sở chăn nuôi và cơ sở sản xuất, kinh doanh tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng (điều 38 và điều 39) cho phù hợp với thực tế. Một số ý kiến thẩm tra đề nghị cần cân nhắc quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

Cần có quy định cao độ nền

QH đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của QH, đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường giải trình thêm các quy định về cao độ nền liên quan đến công trình giao thông. Đây là nội dung được rất nhiều người quan tâm.

Theo ĐB Lâm Thành, hiện nay, ở không ít các công trình giao thông, sau khi xây dựng xong đã biến rất nhiều nhà của dân thành "hầm" rất bất tiện trong quá trình sinh hoạt. Do đó, ông đề nghị có các đánh giá tác động kinh tế - xã hội trong việc định danh mốc cao độ nền, cũng như việc thông tin cho người dân biết mốc cao độ này để thuận tiện xây dựng nhà cũng như sinh hoạt, kinh doanh.