Bộ trưởng GD&ĐT: “Bệnh thành tích” trong giáo dục đã có từ lâu!

Admin
Báo cáo trước Quốc hội trước khi trực tiếp trả lời các chất vấn của ĐBQH sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, bản thân ngành GD&ĐT cũng còn nhiều thiếu sót, nhiều vấn đề tồn tại, gây bức xúc trong dư luận, nhiều vấn đề chưa đạt được kỳ vọng của Quốc hội, nhân dân.

Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, Bộ trưởng GD&ĐT xin nhận trách nhiệm về những việc chưa làm được và hứa thực hiện tốt hơn thời gian tới.

Mở đầu phiên chất vấn, các ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), Nguyễn Văn Thân (Thái Bình), Đào Tú Hoa (Hà Nội)… chất vấn về vấn đề phân luồng học sinh phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; giải pháp khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm; tiến độ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, vấn đề phân luồng học sinh không phải là mới, nhưng kết quả thực hiện chưa đạt như mong đợi. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, song theo Bộ trưởng, “cốt lõi là do chương trình giáo dục”. Hiện cơ quan chức năng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về phân luồng, trong đó trong chương trình phổ thông có quy định về hướng nghiệp nhằm khắc phục tình trạng này.

Nêu bất cập trong đào tạo mầm non, đại biểu K'Nhiêu muốn Bộ trưởng GD&ĐT nhìn nhận rõ thực trạng và đưa ra giải pháp căn cơ. Còn đại biểu Đặng Thuần Phong không đồng tình với trả lời của Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng giáo dục mầm non Việt Nam được quốc tế đánh giá cao. "Hiện quy mô phát triển lĩnh vực giáo dục này không đồng đều, mạng lưới chưa đồng bộ, chưa kể nguồn lực đầu tư cho mầm non rất thấp.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn. ảnh: quochoi.vn

So với các khu vực giáo dục khác, đại biểu cho rằng, tỷ lệ gia đình phải đóng góp đào tạo nhiều nhất, trong khi bức xúc của xã hội với giáo dục mầm non là rất lớn. Cụ thể, Nhà nước đóng góp 39%, còn phụ huynh đóng góp 63% cho thấy, các cháu khi vào học có mức đóng góp cao nhất trong các bậc học.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, giáo dục mầm non là một trong vấn đề gây bức xúc xã hội, dư luận thời gian qua. Toàn ngành có 15.000 cơ sở giáo dục mầm mon, 337.000 giáo viên, cơ bản các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, song cũng đã xuất hiện tình trạng giáo viên mầm non bạo hành trẻ ở một số cơ sở, đặc biệt là cơ sở mầm non tư thục.

"Những vụ bạo hành trẻ mà báo chí đã nêu là không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục rất phản đối, đã chỉ đạo kiên quyết với những giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành, các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa", Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết có nhiều nhưng có trách nhiệm của ngành, từ khâu đào tạo bồi dưỡng, kiểm soát tuyển chọn chưa đến nơi, đến chốn, chưa thường xuyên, dẫn đến một số thầy cô kém năng lực, phẩm chất.

Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, căn cơ nhất là đội ngũ giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và có chế độ hợp lý. "Hiện lương giáo viên mầm non thấp quá, ra trường khoảng 2,4 triệu đồng/tháng. Đây cũng là lý do gây áp lực. Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ, một mặt tăng cường chất lượng đào tạo, chuẩn bị đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, mặt khác tăng chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm mon", Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng GD&ĐT cũng đánh giá, hệ thống pháp lý cơ bản đã có, nhưng quan trọng là việc thực hiện và mong muốn các bộ, ngành liên quan và các địa phương, tổ chức đoàn thể phối hợp tăng cường giám sát để phòng ngừa, lấy phòng ngừa hơn là xử lý.

“Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng nói “giáo dục ta đang trong giai đoạn quá độ nên phải chấp nhận để đổi mới? Vậy chúng ta đang ở giai đoạn nào trên con đường quá độ?”, đại biểu Hồ Thị Vân chất vấn.

Bộ trưởng khẳng định đổi mới lĩnh vực này không thể nóng vội, đây là vấn đề nhạy cảm phải có lộ trình, bước đi cụ thể. Ví dụ vấn đề thi cử, Bộ đã cải cách hai kỳ thi mỗi năm thành một kỳ. Năm 2017 việc thi cử tương đối ổn định, được cử tri và nhân dân cả nước ủng hộ.

Khẳng định giáo dục phải đổi mới, không thể đứng yên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết giáo dục đang thực hiện nhiều nhiệm vụ có kết quả, như hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi, được UNICEF đánh giá cao; huy động trẻ vào lớp 1 cũng thuộc dạng cao; kết quả đổi mới trung học, phổ thông cũng được nhiều tổ chức quốc tế uy tín như Worldbank đánh giá cao… “Để kết luận làm được gì thì chưa đủ căn cứ, nhưng chúng tôi có cơ sở tin rằng trong nhiệm kỳ sẽ có kết quả không chỉ chuyển biến mà là rõ nét”, Bộ trưởng nói.

Về thực trạng khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp, để giải quyết được một cách căn cơ vấn đề trên, ông Nhạ cho hay sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo theo hướng gắn với thị trường lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. Trường ĐH không chỉ có trách nhiệm tuyển sinh đầu vào mà còn phải quan tâm đến đầu ra, có trách nhiệm với sinh viên mình đào tạo cũng như với thị trường lao động.

Đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) cho hay, khảo sát tại một số trường trung học phổ thông trong năm học 2017 - 2018 cho thấy khoảng 55-60% học sinh đạt khá, giỏi; tỷ lệ này ở lớp 11, lớp 12 còn cao hơn, lên tới khoảng 70% và “giấy khen đang mất dần đi ý nghĩa”. Đại biểu hỏi có hay không căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ rõ, đây là căn bệnh không phải bây giờ mà có lâu rồi và hiện vẫn tồn tại. Bộ trưởng GD&ĐT cũng khẳng định ngành đang cố gắng nói không với bệnh thành tích. Tuy nhiên vấn đề này còn liên quan đến thói quen, văn hóa.

Để hạn chế bệnh thành tích, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo hạn chế nhiều các cuộc thi, không tính điểm các cuộc thi vào thành tích các trường. Đồng thời đổi mới phương thức đánh giá, có cơ chế khuyến khích người dạy, nhằm bảo đảm kết quả giảng dạy phản ánh đích thực chất lượng giáo dục và năng lực thầy cô.