Căng thẳng Mỹ-Trung chờ đợi cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập?

Admin
Hai bên có thể đạt được thỏa thuận nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại, nhưng kết quả cuối cùng sẽ khó dự đoán chính xác cho tới phút chót.

Các quan chức Trung Quốc và Mỹ những ngày này thường xuyên trao đổi với khi hai bên đang xác định chi tiết cho “cuộc gặp bữa tối” giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Buenos Aires, Argentina vào ngày 1/12 tới.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhau vào ngày 1/12 sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20. Ảnh: ABCNews

Hình thức và thành phần

Một vấn đề quan trọng cần được 2 bên xác định là ai sẽ ngồi vào bàn thương lượng, theo nguồn tin thân cận với quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc.

Đề cập tới việc một nhóm trợ lý sẽ tham gia cùng hai nhà lãnh đạo, nguồn tin cho biết: “Mỗi bên tham gia cuộc gặp này có thể sẽ sắp xếp theo hình thức 1+2, 1+4 hay 1+6”.

Hình thức 1+6 có khả năng sẽ được chọn, mặc dù kế hoạch có thể thay đổi. Nhiệm vụ khó khăn hơn: Ai sẽ là khách mời tại bữa tối, bởi vai trò của họ có thể ảnh hưởng tới bầu không khí và thậm chí là kết quả cuối cùng của cuộc gặp được nhiều người quan tâm này. Theo nguồn tin, cho tới đầu tuần này, các bên vẫn chưa xác định danh sách khách mời.

Trung Quốc đã nhất trí về thời gian cho cuộc gặp là vào tối thứ Bảy (ngày 1/12), sau khi Hội nghị thượng đỉnh G-20 kết thúc. Bắc Kinh cũng đã thông qua địa điểm là một nhà hàng của một khách sạn cao cấp. Tuy nhiên, tên nhà hàng vẫn chưa được tiết lộ. Cả thời gian và địa điểm đều được phía Mỹ đề xuất, một dấu hiệu cho thấy, ông Trump có thể muốn đạt được thỏa thuận.

Đối với ông Trump, việc chọn các trợ lý sẽ tham gia cùng ông trong cuộc đàm phán là một vấn đề tế nhị vì sự mâu thuẫn giữa những thành viên có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh và những người có quan điểm ôn hòa hơn, theo các nhà phân tích.

Những trợ lý có thể tham gia bữa tối của Tổng thống Mỹ với Chủ tịch Trung Quốc có thể gồm Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad và Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro.

Về phía Trung Quốc, Phó Thủ tướng kiêm trưởng đoàn đàm phán thương mại Lưu Hạc, ông Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước và ông Dương Khiết Trì – cố vấn chính sách ngoại giao hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ là những người cùng tham dự cuộc gặp bữa tối với Tổng thống Mỹ.

Chuyển đàm phán thương mại tới Buenos Aires?

SCMP ngày 18/11 đưa tin, các nhóm đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã quyết định bỏ qua Washington và chọn Buenos Aires làm địa điểm cho các cuộc đối thoại sắp tới. Điều này có thể sẽ giúp thúc đẩy những kết quả tích cực cho cuộc gặp Trump-Tập bằng cách thông báo cho 2 nhà lãnh đạo một cách kịp thời những kết quả quan trọng từ các cuộc đối thoại cấp thấp hơn trước khi 2 bên ngồi lại với nhau vào bữa tối.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 20/11 cho biết, Phó Thủ tướng Trung Quốc phụ trách đàm phán thương mại Lưu Hạc sẽ thăm Đức từ 25-28/11. Điều này phần nào xác định những thông tin SCMP đưa ra rằng, sẽ không có cuộc đàm phán thương mại nào diễn ra ở Washington trong tuần tới.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 20/11 cũng cho biết, các cuộc đối thoại thương mại Mỹ-Trung “sẽ diễn ra trước tại G-20”. Trả lời phỏng vấn Fox Business News, ông Kudlow nói rằng, Tổng thống Trump “tin rằng Trung Quốc sẽ muốn có một thỏa thuận” và các cuộc liên lạc chi tiết đang diễn ra ở mọi cấp độ trong chính phủ.

Tránh bầu không khí căng thẳng trước thượng đỉnh

Theo cuộc điện đàm ngày 1/11 được cả 2 nhà lãnh đạo xác nhận, ông Trump và ông Tập cũng dự kiến sẽ trao đổi về vấn đề Triều Tiên. Ông Trump cần sự trợ giúp của Bắc Kinh trong việc đảm bảo Bình Nhưỡng sẽ nghiêm túc trong việc dỡ bỏ vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, ông Tập thông báo với phía Hàn Quốc rằng ông có kế hoạch thăm Triều Tiên vào năm 2019.

Bắc Kinh và Washington đang rất thận trọng không “đầu độc” bầu không khí cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập và tránh sự đối đầu như những gì đã diễn ra tại APEC 26 tuần trước. Cuộc họp APEC khi đó đã kết thúc mà lần đầu tiên không ra được tuyên bố chung vì sự đối đầu leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Về phần mình, ông Trump đã giảm đáng kể những tuyên bố trên Twitter về Trung Quốc. Thực tế, ông không đăng tải tuyên bố nào về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc kể từ sau cuộc điện đàm trong đó hai bên nhất trí sẽ gặp trực tiếp.

Kết quả khó dự đoán tới phút chót

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh sự đối đầu giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này ngày càng mở rộng, từ thương mại, an ninh, tới vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Sự đối đầu đã làm chao đảo các thị trường quốc tế, phủ bóng lên triển vọng kinh tế thế giới và khiến nhiều người quan ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Matthew Goodman, một chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Washington ngày 20/11 dự đoán: “sẽ có một ‘thỏa thuận tạm dừng’ được nhất trí tại [Argentina] vì cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều đang bị sức ép phải gạt tranh chấp [thương mại] sang một bên”.

“Rất khó để dự đoán kết quả thực tế của cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập. Hy vọng tốt nhất là Mỹ và Trung Quốc sẽ đồng ý ‘đình chiến’ về thương mại”, ông Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho biết.

Liu Weidong, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung của viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định, kết quả thượng đỉnh Trump-Tập sẽ khó có thể dự đoán chính xác cho tới phút chót vì khả năng đạt được thỏa thuận giữa 2 nhà lãnh đạo vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

“Bắc Kinh và Washington sẽ vẫn tiếp tục thế ‘giằng co’. Một bên sẽ cố tối đa hóa những điều đạt được, còn một bên cố giảm tới mức tối thiểu những thiệt hại”, ông Liu Weidong nói.

Bản thân khâu chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh cũng có nhiều sự “giằng co”. Ông Trump và ông Tập ban đầu dự kiến sẽ gặp nhau bên lề hội nghị G-20, nhưng SCMP đưa tin ông Trump sau đó đã đề xuất nâng cấp cuộc gặp trực tiếp này thành “cuộc gặp kèm ăn tối” vào tối thứ Bảy ngày 1/12, khi các phiên họp của G-20 đã kết thúc.

Việc thay đổi cuộc gặp sang tối 1/12 cũng có nghĩa là trước khi chính thức gặp nhau tại bữa tối riêng, 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội để “hâm nóng” lại mối quan hệ cá nhân tại G-20 với việc ngồi cùng nhau trong một phòng họp suốt nhiều giờ để thảo luận, cùng tham gia các buổi tiệc chiêu đãi của nước chủ nhà và tham gia chụp ảnh tập thể cùng nhau – những lịch trình “cứng” cho các hội nghị quốc tế./.