Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị QH xem xét, quyết định cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ khoản 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn các dự án quan trọng quốc gia cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Đây là khoản nợ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo cam kết trước đây của Chính phủ.
Theo tờ trình, số tiền hơn 4.069 tỷ đồng này sẽ lấy từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Năm 2007, dự án QL5 mãn tải, Thủ tướng quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Do ngân sách nhà nước khó khăn, dự án đã được triển khai đầu tư theo cơ chế thí điểm. Trong đó, phần vốn nhà nước tham gia vào dự án được trả dần bằng ngân sách và bằng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các khu đô thị được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường.
Chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ GPMB của nhà nước |
Tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ngân sách nhà nước sẽ bố trí thanh toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 4.069 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội 882 tỷ đồng, Hưng Yên 788 tỷ, Hải Dương 992 tỷ và Hải Phòng là 1.397 tỷ.
Trả nợ gốc đến hạn các khoản vay nước ngoài 300 triệu USD (thời gian từ 13-30 năm), một phần vốn tham gia của nhà nước được bố trí từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các khu đô thị, khu công nghiệp được hình thành sau khi tuyến đường xây dựng (khoảng 5.200 tỷ đồng).
Tính từ thời điểm dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bắt đầu triển khai đến nay đã hơn 10 năm nhưng các khoản nhà nước cam kết trả cho nhà đầu tư (Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI) theo quyết định 746 của Thủ tướng vẫn chưa được thực hiện.
Do đó VIDIFI vẫn đang phải tiếp tục vay ngân hàng Phát triển VN (VDB) các khoản tham gia hỗ trợ của nhà nước theo cam kết với lãi suất bình quân 10%. Tính đến cuối 2018 chi phí lãi vay phát sinh thêm do các khoản hỗ trợ của nhà nước theo quyết định 746 của nhà nước chưa được thực hiện ước tính khoảng 800 tỷ đồng.
Hệ lụy dự án phá sản, khó kêu gọi đầu tư
Trong báo cáo Chính phủ và các bộ ngành, VIDIFI cho biết, nếu các khoản hỗ trợ của nhà nước không nhanh chóng được cấp thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Tiền lãi phát sinh do các khoản hỗ trợ chưa được cấp đã trên 800 tỷ đồng do VIDIFI vẫn phải vay với lãi suất 10%/năm cho các khoản chưa được cấp. Nếu tiếp tục chậm sẽ dẫn đến phá vỡ phương án tài chính của dự án, DN dự án phá sản.
Ngoài ra, việc không trả được các khoản nợ vay nước ngoài (được Chính phủ bảo lãnh) sẽ ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ đối với các nhà tài trợ vốn nước ngoài, ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam và khiến DN không thể tái cơ cấu dự án.
Cũng theo lãnh đạo VIDIFI, thời gian trước, có nhóm nhà đầu tư từ Úc, châu Âu quan tâm tới vấn đề chuyển nhượng một phần dự án. Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán và đánh giá của VIDIFI, các nhà đầu tư đều băn khoăn, chưa đi vào đàm phán, thỏa thuận chi tiết các điều kiện chuyển nhượng vì họ cho rằng khoản cam kết hỗ trợ của nhà nước đối với dự án cần phải có lộ trình thực hiện rõ ràng.
"Các nhà đầu tư đã đến tìm hiểu, tham khảo VIDIFI, đặc biệt tìm hiểu về cam kết của Chính phủ đối với nhà đầu tư. Vì vậy nếu các khoản cam kết của Chính phủ chậm giải quyết sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư”, đại diện VIDIFI thông tin thêm.