Chàng trai đồng tính nhiều lần nghĩ tới cái chết để giải thoát cho mình

Lợi Trần
“Đã có những lúc tôi nghĩ tới cái chết để giải thoát cho chính cuộc sống của mình. Tôi thấy cuộc sống này quá mệt mỏi, thở cũng phải gắng sức\".

Nhiều lần muốn tự tử

Tiến Nam là con một của gia đình có truyền thống làm nghề giáo viên. Nhiều lần anh muốn tâm sự với bố mẹ để có thể sống thật với con người của chính mình. Tuy nhiên, khi anh đề cập tới những câu chuyện về người đồng tính thì bố mẹ tỏ thái độ rất kịch liệt phản đối. Chính điều này càng khiến cho Tiến Nam sống trong vòng luẩn quẩn của sự đau khổ.

“Đã có những lúc tôi nghĩ tới cái chết để giải thoát cho chính cuộc sống của mình. Tôi thấy cuộc sống này quá mệt mỏi, thở cũng phải gắng sức. Tôi cảm thấy sợ cuộc sống cho người khác mà không phải cho mình. Nhưng tôi không dám trao đổi thẳng thắn cho bố mẹ biết vì sợ khi nói ra bố mẹ sẽ “sốc”, ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt bố tôi đã bị tai biến một lần rồi”, anh Tiến Nam nói.

Tiến Nam đã chọn cách lên mạng xã hội để sống đúng với con người của mình. Bởi, ở đây, anh mới cảm nhật hết được cuộc sống tự do là chính mình hạnh phúc như thế nào. Tuy nhiên Tiến Nam cũng cho biết thêm cuộc sống trên mạng xã hội đầy rẫy những cạm bẫy nếu như không biết cách bảo vệ chính mình, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm HIV.

 

Không chỉ có Tiến Nam mà rất nhiều các bạn trẻ khác tìm kiếm bạn bè, thông tin về tình dục qua mạng xã hội. Vì thiếu thông tin không ít các bạn trẻ đã phải ân hận khi nhiễm HIV.

Theo TS.BS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, phần lớn nhóm nguy cơ nhiễm HIV cao đều dùng mạng xã hội.

Một nghiên cứu mới được công bố vào tháng 12/2017 tại Hà Nội và Hồ Chí Minh có khoảng 1 triệu người tuổi từ 18 đến 24 tuổi tìm kiếm những thông tin về quan hệ tình dục trên mạng xã hội. Vì vậy cần phải nắm bắt thế mạnh của mạng xã hội để cập nhật các biện pháp nhiễm HIV.

Nói về việc tuyên truyền phòng chống HIV cách đây khoảng 20 năm, bác sĩ Hương cho biết gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian để in ra một tờ rơi từ thiết kết tới ra sản phẩm phải mất một năm.

“Tôi cảm thấy đau xót vô cùng khi mà những tờ rơi một năm mới làm ra nhưng khi phát cho mọi người có người thả ngay xuống đường, có người vứt vào thùng rác”, bác sĩ Hương nói.

Nhận biết nhiễm HIV sớm

Bác sĩ Hương cho biết nếu tuyên truyền kịp thời sẽ ngăn ngừa được nguy cơ lây nhiễm ở những nhóm nguy cơ cao trong đó có quan hệ tình dục đồng tính. Việc tuyên truyền cũng sẽ giúp cho người không may bị nhiễm HIV phát hiện ra và phòng tránh lây nhiễm cho người khác.

“Chúng ta cần tìm những cách sáng tạo để tiếp cận tuyên truyền HIV thông qua các kênh truyền thông xã hội mới”, bác sĩ Hương nói.

Theo chuyên gia này, người bị nhiễm HIV cấp tính ở giai đoạn đầu tiên sau từ 2-6 tuần tiếp xúc hoặc bị lây sẽ có một vài triệu triệu chứng sớm để nhận biết. Đây còn gọi là giai đoạn cửa sổ, người bệnh có thể biết mình bị nhiễm HIV dựa vào tính trạng bất thường như sốt nhẹ đi kèm với mệt mỏi, đau họng khi vi rút đi vào máu gây ra phản ứng kích thích miễn dịch. Người nhiễm sẽ có cảm giác thường xuyên mệt và buồn ngủ, nhức mỏi người như người mắc bệnh cúm. Một số trường hợp ở giai đoạn cửa sổ có thể bị nôn, tiêu chảy.

Một người muốn biến chính xác việc có bị nhiễm HIV hay không chỉ có cách duy nhất là xét nghiệm. Nếu có nguy cơ mắc thì dùng thuốc chống phơi nhiễm càng sớm càng tốt. Người bị lây nhiễm rồi thì cần phải uống thuốc ARV để giảm tải lượng vi rút trong mau tới mức an toàn, không lây cho bạn tình khi quan hệ tình dục.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)