Chiêm ngắm những cổng tam quan có “1 không 2” ở Ninh Bình

Admin
Phương Đình nhà thờ đá Phát Diệm, cổng vào Quần thể danh thắng Tràng An, cổng vào di tích cố đô Hoa Lư… đều là những công trình cổng tam quan \"khủng\" có kiến trúc độc đáo, xây dựng bằng đá xanh khối lớn có “1 không 2” ở Ninh Bình hiện nay.

Nhà thờ đá Phát Diệm là công trình kiến trúc nổi tiếng ở Ninh Bình có trên 100 năm nay. Công trình có lối kiến trúc mang đậm chất đình chùa Việt Nam. Tại quần thể nhà thờ đá Phát Diệm, Phương Đình là công trình được xây dựng toàn bộ bằng đá xanh nguyên khối, được đục đẽo, trạm khắc rất tinh xảo. Chỉ làm thủ công, nhưng những khối đá khổng lồ đã được vận chuyển hàng chục km đến vùng biển Kim Sơn để làm ra công trình độc đáo này. 

Mang đậm chất kiến trúc Việt, Phương Đình được xây dựng kiểu tam quan, có 3 cửa chính. Bên dưới phương đình được xây bằng đá, bên trên khung gỗ lợp ngói. Tồn tại trên 100 năm nay, Phương Đình của nhà thờ Phát Diệm như một biểu tượng cho vùng đất "kinh đô công giáo" Việt Nam. Đây cũng là điểm đến thu hút nhiều nhà khoa học, du khách quốc tế và trong nước đến nghiêm cứu, tham quan công trình độc đáo có "1 không 2" này ở Ninh Bình. 

Được xây dựng sau, gắn với Quần thể danh thắng Tràng An, cổng vào "di sản kép" Tràng An (văn hóa và thiên nhiên thế giới) ở thành phố Ninh Bình cũng đang là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách. Từ cổng tam quan khổng lồ này, du khách sẽ đến với một vùng di sản rộng lớn với những kỳ quan nổi tiếng của Ninh Bình. 

Cổng tam quan vào di sản Tràng An có 3 cửa chính với 3 lầu mái được xây dựng hình mái cong vút lợp ngói mang đậm chất dân tộc Việt. Cổng có 3 lối đi chính, của lớn chính giữa dành cho người đi bộ, cửa hai bên cho xe cơ giới lưu thông. Cổng được xây dựng trước khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản của nhân loại. 

Cổng vào khu di tích cố đô Hoa Lư cũng được xây dựng theo kiến trúc tam quan và có kích thước lớn không kém Phương Đình và cổng vào di sản Tràng An. Khác với hai công trình trên, cổng di tích cố đô cũng có 3 cửa nhưng phía trên chỉ có một đài lợp ngói. Trên mái cũng xây dựng theo kiểu mái cong của mái đình, đền, chùa đặc trưng của kiến trúc phương Đông và Việt Nam. 

Cổng vào di tích cố đô Hoa Lư rực sáng vào các dịp lễ trọng của vùng đất hơn 1000 năm lịch sử - nơi đây 1.050 năm trước vua Đinh Tiên Hoàng đã dựng lên triều đình phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên tại Việt Nam. Nhà nước Đại Cồ Việt cũng hưng thịnh tại nơi này. Cố đô Hoa Lư mỗi năm đón hàng vạn lượt du khách đến tham quan nơi an nghỉ, thờ tự hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. 

Cổng chào huyện Hoa Lư cũng là một trong những công trình cổng tam quan độc đáo ở Ninh Bình. Cổng xây dựng với 3 lầu, tam quan tách biệt có 2 lối cho xe cơ giới đi chính, đây là mái vòm nối giữa 3 tam quan với nhau. Nằm sát bên quốc lộ 1A, cổng chào huyện Hoa Lư gây sự chú ý với nhiều người dân khi đi qua đây. Cổng chào không chỉ là nơi qua lại hàng ngày của người dân địa phương mà còn thể hiện giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất cố đô văn hiến. 

Cổng chào được xây dựng bằng bê tông cốt thép, bên ngoài ốp đá xanh. Bên trên, các lầu mái được xây và ốp gạch và khung gỗ lợp ngói. Mái của cổng chào cũng cong vút lên trời.

Tại chùa Bái Đính - ngôi chùa lớn nhất Việt Nam cũng có hai cổng Tam Quan khổng lồ đó là cổng Tam Quan nội và Tam Quan ngoại. Trong hình là cổng Tam Quan ngoại được xây dựng cao lớn, ghép bằng đá xanh. Bên dưới cửa cổng nguyên khối được đúc bằng đồng. Du khách mỗi khi đến tham quan chùa, không khỏi choáng ngợp trước cổng chùa lớn nhất Việt Nam này.

Cổng làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, huyện Hoa Lư, Ninh Bình cũng đang là công trình cổng tam quan hoành tráng bậc nhất, có "1 không 2" ở Ninh Bình hiện nay. Cổng được làm bằng những khối đá xanh, trạm khắc tinh xảo, thể hiện sự tài hoa của người thợ đá Ninh Vân. Những cổng tam quan nổi tiếng ở Ninh Bình nói trên cũng đều được làm bằng đá mỹ nghệ Ninh Vân, do những nghệ nhân hàng đầu của làng đá thi công trong nhiều năm.