Kinh tế

Tỉnh lớn nhất Việt Nam sau sáp nhập: Vừa có rừng, vừa có biên giới, vừa có đường ven biển như nước ngoài

Từ 1/7, địa phương này sở hữu thêm cả đường biên giới quốc tế và những bãi biển trong xanh, đem lại đa dạng trải nghiệm hơn cho du khách.

Thông tin sáp nhập các tỉnh thành nước ta chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, nhận được đông đảo sự quan tâm của mọi người. Trong đó, sau khi thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính theo hướng sáp nhập, một tỉnh từ có diện tích khiêm tốn, vươn mình trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước.

Đặc biệt hơn nữa, nếu như trước kia địa hình nơi đây chủ yếu là đồi núi thì sau khi sáp nhập, sở hữu thêm cả những cánh rừng nguyên sơ, cao nguyên xanh mướt, đường biên giới quốc tế với Campuchia và đường bờ biển dài 200km.

Địa phương đang được nhắc tới chính là tỉnh Lâm Đồng (mới) - sáp nhập từ Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận. Theo thống kê, diện tích của tỉnh Lâm Đồng từ ngày 1/7 vào khoảng hơn 24.000m2, đồng thời đây là địa phương sở hữu bản đồ địa hình phong phú bậc nhất cả nước.

Tỉnh Lâm Đồng mới được hợp nhất từ Lâm Đông, Bình Thuận và Đắk Nông (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng)

Sự thay đổi mang tính bước ngoặt này mở ra một tương lai tươi sáng cho ngành du lịch Lâm Đồng, không chỉ ở khía cạnh phát triển kinh tế, mà còn ở việc làm giàu trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước.

Đường ven biển đẹp như nước ngoài ở Lâm Đồng

Như đã nói ở trên, giờ đây không chỉ có khí hậu se lạnh, đồi thông ở Đà Lạt hay những thác nước giữa cao nguyên, Lâm Đồng còn có cả những bãi biển xanh trong bên bờ cát trắng. Vùng ven biển của Lâm Đồng nằm ở phía Đông Nam, đường bờ biển dài gần 200km, vốn thuộc Bình Thuận trước đây.

Những bãi biển nổi tiếng ở khu vực miền Trung như Mũi Né, Hòn Rơm, Cổ Thạch, Kê Gà, nay đã chính thức thuộc Lâm Đồng. Du khách đến Lâm Đồng không chỉ được tận hưởng bãi biển mà còn có thể trải nghiệm những cung đường ven biển được ví như nước ngoài.

Từ 1/7, tỉnh Lâm Đồng chính thức sở hữu đường bờ biển dài khoảng 200km, vốn thuộc Bình Thuận trước đây (Ảnh: Traveloka)

Con đường sau đây là một ví dụ như thế. Nhiều du khách nhận xét, đây là một trong những cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam. Đó là con đường "Dốc Hoàng Hôn - Núi Cố", trước đây thuộc phường Phú Hải, Phan Thiết, Bình Thuận.

Con đường nằm trong một phần của tuyến đường mới mở đầu năm 2024 dẫn đến Mũi Né. Bởi vậy rất thuận tiện, dễ dàng cho du khách muốn trải nghiệm. Từ trung tâm Phan Thiết, chỉ cần đi thêm gần 9km, du khách sẽ đến được con đường, con dốc mang tên Hoàng Hôn này.

Theo chia sẻ của những du khách có kinh nghiệm, thời điểm cung đường biển này đẹp nhất là vào buổi hoàng hôn. Đó cũng chính là lý do người ta lấy tên "Hoàng hôn" để đặt cho cung đường này.

Cụ thể, từ khoảng 16h00 đến 18h00 hàng ngày, du khách chạy xe từ từ dọc con đường, không chỉ được lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rào mà còn được chiêm ngưỡng cả một bầu trời hoàng hôn rực rỡ. Qua nhiều hình ảnh được các du khách đã từng trải nghiệm đăng tải, có thể thấy sắc cam của hoàng hôn cùng với sắc xanh của bờ biển, tạo nên một khung cảnh rất ấn tượng.

Một số hình ảnh về cung đường ven biển Dốc Hoàng Hôn - Núi Cố, hiện lên cực ấn tượng nhất là vào buổi hoàng hôn (Ảnh Check In Vietnam, Mũi Né Explore, Traveloka)

Với những du khách muốn trải nghiệm khác biệt, cũng có thể chọn buổi bình minh, khi mặt trời vừa ló rạng. Tuy mang vẻ đẹp là vậy, đường cũng bằng phẳng, thuận tiện cho mọi phương tiện, song theo lời khuyên của người bản địa, để đảm bảo an toàn nhất, du khách chỉ nên trải nghiệm con đường dốc Hoàng Hôn - Núi Cố vào ban ngày, từ sáng cho đến khi cuối khoảnh khắc hoàng hôn để được đảm bảo an toàn nhất.

Đa dạng trải nghiệm du lịch khác ở Lâm Đồng

Cùng với đường bờ biển, phần lãnh thổ sáp nhập từ Đắk Nông đã mang đến cho Lâm Đồng một yếu tố địa lý mới: Đường biên giới quốc tế kéo dài khoảng 141km tiếp giáp với Campuchia. Các cửa khẩu như Bu Prăng – Tuy Đức không chỉ có giá trị kinh tế, mà còn là tiền đề để phát triển du lịch biên mậu, du lịch khám phá vùng biên, nơi văn hóa các dân tộc thiểu số giao thoa.

Với địa hình trải dài từ cao nguyên xuống biển, từ vùng rừng nguyên sinh đến biên giới quốc tế, Lâm Đồng sau sáp nhập trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá đa dạng cảnh quan và văn hóa. Hành trình có thể bắt đầu tại Đà Lạt – trái tim của cao nguyên Lâm Viên, nơi du khách thả mình giữa rừng thông, thưởng thức cà phê, dạo chợ đêm và ghé thăm những công trình kiến trúc Pháp cổ kính. Cách đó không xa là Bảo Lộc, nổi tiếng với đồi chè, thác Dambri hùng vĩ và các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, ươm tơ.

Không chỉ có những cao nguyên hoang sơ hùng vĩ, tỉnh Lâm Đồng hiện nay còn nhiều hơn thế (Ảnh VnTrip)

Đi xa hơn về phía tây là khu vực Tuy Đức – Đắk Nông cũ, nơi có rừng nguyên sinh, hệ thống thác nước và hang động núi lửa độc đáo. Du khách có thể trải nghiệm du lịch mạo hiểm, tìm hiểu đời sống cộng đồng dân tộc M’nông và khám phá các khu bảo tồn thiên nhiên. Đây cũng là nơi kết nối tới cửa khẩu Bu Prăng – mở ra cơ hội tham quan vùng biên giới giáp Campuchia, nơi giao thoa văn hóa và sinh hoạt đặc sắc.

Rẽ về phía đông nam, hành trình đưa du khách tới vùng biển Bình Thuận – nay là một phần của Lâm Đồng mới. Các điểm đến như Mũi Né, Hòn Rơm, Kê Gà... nổi bật với bãi biển trong xanh, đồi cát bay và hải sản phong phú. Du khách có thể trải nghiệm dù lượn, lướt ván, nghỉ dưỡng tại các resort cao cấp hoặc khám phá làng chài truyền thống ven biển.

Du khách ngày nay đến Lâm Đồng còn có thể ngắm nhìn những dòng thác hùng vĩ hay hòa mình vào văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc (Ảnh Báo Lao Động, Phòng GD&ĐT Đắk Nông)

Có thể nói, sự hội tụ địa hình, có cả biển, cả cao nguyên, cả rừng núi, không chỉ giúp Lâm Đồng mới trở thành “điểm đến toàn diện” cho nhiều loại hình du lịch: Sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, văn hóa, mà còn tạo cơ hội phát triển các tour liên vùng, tuyến du lịch trải dài từ cao nguyên xuống biển, từ thành phố hoa đến vùng biên giới, hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm phong phú.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP