Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Cơ chế sẽ tạo nguồn lực phát triển đặc khu Vân Đồn

Admin
“Việc xây dựng khu hành chính – kinh tế đặc biệt ở tỉnh Quảng Ninh trên tinh thần là xin cơ chế chứ không xin kinh phí. Khi có cơ chế sẽ tạo ra nguồn lực, động lực phát triển cho Vân Đồn”, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Chiều 2/11, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với phóng viên Dân trí những vấn đề liên quan đến việc Quốc hội lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cho đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

1 đồng vốn ngân sách hút 10 đồng từ nhà đầu tư

- Sang tuần tới, lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Là người từng sống và làm việc tại Quảng Ninh, ông đánh giá thế nào về tiềm năng trở thành đặc khu kinh tế của Vân Đồn?

- Với một công dân từng sống và làm việc ở Quảng Ninh, tôi thấy khát vọng xây dựng đặc khu kinh tế của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Vân Đồn rất cao. Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh cũng đã chuẩn bị điều kiện cần thiết như đầu tư hạ tầng kết nối, đầu tư sân bay và huy động các nhà đầu tư chiến lược tại Vân Đồn. Với những điều kiện cần thiết để trở thành khu hành chính – kinh tế đặc biệt, tôi thấy Vân Đồn đủ điều kiện.

 Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội


- Tổng mức đầu tư cho đặc khu kinh tế Vân Đồn lên đến hơn 11 tỷ đô la, trong đó vốn từ ngân sách là 26.000 tỷ đồng. Vậy làm cách nào để tỉnh Quảng Ninh có thể huy động nguồn vốn lớn đến như vậy?

- Ở tỉnh khác chúng tôi chưa làm việc thì chưa biết, còn ở Quảng Ninh với tinh thần là xin cơ chế, chứ không xin kinh phí. Khi có cơ chế sẽ tạo ra nguồn lực, động lực phát triển khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Tỉnh Quảng Ninh tính toán mỗi năm cần ưu tiên khoảng 1.500 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho khu hành chính – kinh tế đặc biệt. Nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách đưa vào khu hành chính – kinh tế đặc biệt là để tạo vốn mồi thu hút các nguồn lực. Thực tế trong thời gian vừa qua, theo thống kê thì một đồng vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh đưa vào thu hút gần 10 đồng vốn của các nhà đầu tư.

- Trung ương nên tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Ninh giữ lại ngân sách nhiều hơn hiện nay để tạo nguồn lực đầu tư xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn?

- Thực tế nếu không đầu tư phát triển thì phần thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh mãi chỉ như hiện nay. Còn đầu tư cho Vân Đồn phát triển mạnh hơn, thì càng có thêm nhiều nguồn thu. Việc để lại Quảng Ninh ngân sách lớn hơn là vấn đề khó, nhưng chúng ta cần phải nghĩ đến vấn đề phát triển chung cho cả đất nước, từ đó tìm ra cơ chế, chính sách linh hoạt.

- Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cần có những cơ chế, chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư “đổ” hàng nghìn tỷ đồng vào đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc?

- Tôi thấy trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã đưa ra những chính sách rất đột phá. Còn nếu so với các thiên đường về thuế ở các nước thì những chính sách trong dự thảo không bằng. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta không phải trở thành thiên đường thuế ở các đặc khu kinh tế.

Tôi cũng đã nghe các nhà đầu tư muốn có những chính sách ưu đãi hơn nữa ở đặc khu kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề này là quyền của Quốc hội, các đại biểu sẽ nghiên cứu chính sách cần thiết để tạo cú hích, đột phá cho đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

“Hồi tố” chính sách ưu đãi?

- Một trong những băn khoăn hiện nay là đối với các đầu tư đã bỏ tiền xây dựng các dự án, liệu họ có được hưởng các chính sách ưu đãi theo kiểu “hồi tố” khi Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế?

- Chúng tôi cũng đang bàn để đưa ra phương án xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp đã bỏ tiền vào đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Còn quan điểm của cá nhân tôi những gì được ưu tiên thì cũng phải cho các nhà đầu tư trước đó được hưởng. Với những lĩnh vực, dự án không nằm trong số đối tượng ưu tiên thì cũng không nên đề cập trong chính sách mới.

Ở Vân Đồn và Bắc Vân Phong vẫn giữ được nét hoang sơ nên ít gặp vấn đề bất cập kể trên. Còn ở Phú Quốc có rất nhiều dự án đang triển khai nên gặp khó khăn trong việc giải quyết chính sách cho các nhà đầu tư.

 Huyện đảo Vân Đồn có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí để xây dựng đặc khu kinh tế


- Để trở thành đặc khu kinh tế, nhiều người cho rằng loại hình vui chơi, giải trí ở đây cũng phải đặc biệt như casino, phố đèn đỏ… Tuy nhiên, hiện còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này?

- Tất cả những vấn đề liên quan đến casino, đến bây giờ đã có Nghị quyết quy định rõ ràng. Do vậy, vấn đề này hoàn toàn có thể áp dụng được, thậm chí còn cho cả người Việt Nam tham gia hoạt động casino. Riêng phố đèn đỏ liên quan đến nhiều vấn đề về nên tôi chưa bình luận.

- Vấn đề cho thuê đất ở các đặc khu kinh tế lên đến 99 năm cũng được nhiều đại biểu quan tâm?

- Tham gia thẩm tra với Ủy ban Pháp luật về vấn đề này, chúng tôi muốn có tiêu chí rõ ràng, những dự án nào được thuê đất 99 năm ở đặc khu. Vấn đề này phải ghi rõ vào luật để định hướng trước cho các nhà đầu tư.

Xin cảm ơn ông!