Thảo luận về báo cáo phòng chống tội phạm, tham nhũng, thi hành án chiều 19/9, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt ghi nhận, thời gian qua, nhiều vụ đại án được khởi tố, xét xử cả ở hình sự, kinh tế đã củng cố lòng tin cho nhân dân. Tuy nhiên, theo ông, đơn thư khiếu nại, tố cáo còn nhiều, mà đơn thư vòng vo thì khổ dân, lên trên bị đẩy xuống, dưới thì không giải quyết được, nên người dân bức xúc.
Vấn đề thứ hai ông băn khoăn là việc "đại gia, đại ca làm hư hỏng cán bộ, trong đó có một số cán bộ cấp cao".
"Điều này làm méo mó quan hệ đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, nhưng vẫn đứng ngoài vòng pháp luật. Đây là những đối tượng ít người nhắc đến, ít báo cáo nói đến. Nhưng theo quan điểm của tôi trong dư luận xã hội còn nặng nề", ông Việt nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cũng lo ngại vấn đề đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ công chức ở khối tư pháp. Nhân dân thấy 9-10 việc tốt, nhưng chỉ một vài việc không tốt thì sẽ mất niềm tin. Vì vậy, cần phải hết sức coi trọng đạo đức nghề nghiệp.
"Tôi gặp nhiều bị cáo, tù nhân, được biết một số cán bộ nhân danh Nhà nước để điều tra, thẩm vấn, xét xử, nhưng chưa được khâm phục vì phong cách, thái độ, trình độ, nên việc lựa chọn thẩm phán xét xử với các vụ án phải hết sức lưu ý", ông nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: QH |
"Tại sao chưa kết luận thanh tra tài sản giám đốc Sở Yên Bái?"
Phó ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương đề nghị những vụ việc lớn qua thanh tra phải công khai rộng rãi, đúng thời gian quy định. Hiện nay nhiều vụ việc thanh tra xong cứ để đấy.
"Như vụ Yên Bái, sao dân rất quan tâm mà mãi chưa công bố? Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố rất đúng thời hạn, chỉ rõ sai phạm, xử lý từng người, như vậy là rất hay, tạo sự quan tâm rất đặc biệt và đồng tình từ người dân", ông Đương nói. Theo ông, nhiều việc làm tốn công sức, có nỗ lực nhưng vì chậm trễ công bố mà người dân cảm thấy có khuất tất, hiệu quả phòng chống tham nhũng kém.
Kiểm toán và thanh tra là hai cơ quan quan trọng nhất để kiểm soát tham nhũng, tuy nhiên số vụ chuyển qua hai đơn vị này ít "chứng tỏ vấn đề phát hiện, xử lý và trách nhiệm còn hạn chế".
Phó ban Dân nguyện cũng so sánh, hiện nay án về trật tự trị an, đặc biệt là giết người, trọng án được làm rất tốt. Sự kịp thời này khiến người dân khâm phục công an, nhiều người nói đất nước yên bình, không có khủng bố vì công an rất giỏi. Nhưng tiến độ xử lý, giải quyết án tham nhũng còn chậm, kéo dài. Tỷ lệ trả lại hồ sơ là 37%, chủ yếu do toà trả, có vụ toà trả 3 lần kéo dài 6 năm.
"Công lý chậm trễ là công lý bất công, doanh nghiệp phá sản vì việc này. Chỗ này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần có ý kiến sâu để doanh nghiệp còn làm ăn. Vụ chìm xuồng Cần Giờ 9 người chết chỉ vướng kết luận giám định mà đến nay chưa giải quyết, trong khi doanh nghiệp có hàng nghìn công nhân", ông Đương nói.
Ông cũng dẫn vụ án con dâu Hoàng Thị Vấn giết mẹ chồng, đã tạm giam 6 năm, nhưng "con dâu giết mẹ chồng mà cả gia đình nhà chồng lại kêu oan cho con dâu", thời gian tạm giam lại quá dài. Vì vậy ông đề nghị, nếu địa phương không làm được thì rút lên trên điều tra chứ không thể để lâu như thế. "Đây là bất công gây hình ảnh xấu cho nền tư pháp", ông nói.
Theo Phó ban Dân nguyện, thực tế, mỗi năm có khoảng 300 - 400 án tuyên khó thi hành. Có vụ 20 năm nay tiếp dân thấy không thi hành được như ngôi nhà 3m mà tuyên án chia đôi, vụ án ly hôn tuyên chồng tầng trên vợ tầng dưới không có đường ra. Hay vụ mới nhất là 200ha rừng cao su ở Tây Ninh, toà giao 7 hộ dân trả đất cho UBND nhưng không nói xử lý tài sản trên đất là cây cao su như thế nào. Vì vậy án đã kéo dài 7 năm không thi hành được.
"Bày ra như thế suốt ngày Uỷ ban vác hồ sơ sang tư pháp hỏi ý kiến. Không giải quyết được, dân bức xúc, khiếu kiện. Chính các đồng chí làm ra khiếu kiện, bức xúc", ông Đương khẳng định và đề nghị phải tổng kết xem còn bao nhiêu vụ án tuyên một đằng mà thực tế một nẻo.